Vững bền cột mốc của lòng dân
VOV.VN-Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc đã ghi nhận được nhiều công sức, đóng góp tích cực của nhân dân.
Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, chúng ta thấy rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng để có thể chiến thắng mọi kẻ thù chính là chiến lược "bách tính giai vi binh" (trăm họ đều là lính). Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ biên giới được xác định không chỉ là của nhà nước, của quân đội hoặc của riêng một địa phương nào, mà thuộc trách nhiệm của toàn dân “trăm họ”. Thực hiện chiến lược này, các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện nhiều chính sách, biện pháp trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự nhằm "vỗ về" người xa, huy động đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đó là chiến lược "biên giới lòng dân" của ông cha, như Vua Lê Thái Tổ đã từng viết: "Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an" (Biên phòng cần có phương lược tốt/ Đất nước nên lo kế lâu dài).
Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các công đoạn cho việc hoàn thành cắm mốc trên thực địa Tuyến biên giới Hà Tĩnh – Bôlykhămxây và Khăm Muộn (Lào) |
Tại lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang (tiền thân của lực lượng bộ đội biên phòng) ngày 28/3/1959, Hồ Chủ Tịch đã căn dặn: “Một vạn công an chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động”, dựa vào nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân tạo thành “thiên la địa võng” làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.
Ngày nay, cán bộ chiến sĩ biên phòng đã vận dụng “kế lâu dài” này theo hướng đổi mới công tác vận động quần chúng "dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm" và phương châm "nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin". Những cán bộ biên phòng đã được tăng cường ngày càng nhiều xuống các xã biên giới; cùng tham gia sinh hoạt tại các Chi bộ thôn (xóm) biên giới để hiểu dân, gần dân, giúp đỡ được nhân dân vùng biên giới nhiều hơn, tạo thế trận lòng dân. Hàng trăm nghìn mô hình giúp dân của các Đồn Biên phòng, từ phong trào xóa đói giảm nghèo tới "Chung sức xây dựng Nông thôn mới" được củng cố và ngày càng nhân rộng.
Khi được bộ đội biên phòng giúp đỡ, tuyên truyền, nhân thức về bảo vệ chủ quyền biên giới được nâng lên, thì người dân vùng biên thấy rằng, việc tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, là khao khát được cống hiến sức lực cho Tổ quốc.
Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc đã ghi nhận được nhiều công sức, sự đóng góp hết sức tích cực của đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Thế nên, việc cùng bộ đội biên phòng giữ gìn biên cương đã thấm vào từng quy ước, hương ước của các bản làng biên giới; trong lời răn dạy nhắc nhở của những già làng. Anh Y Njen Ra, ở bon SaPa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông còn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An xây dựng, gìn giữ cột mốc số 50. Sức dân như nước, một khi sức dân được huy động, có được lòng dân thì bộ đội biên phòng đã có thêm hàng triệu tai mắt để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Tận mắt chứng kiến những ngôi nhà Ðại đoàn kết ở bản nghèo của đồng bào La Hủ, Đan Lai, Ơđu… - những tộc người tưởng như bị quên lãng- được Bộ đội Biên phòng đưa về nơi ở mới, chúng ta cảm nhận nhiều hơn về tình nghĩa quân dân vùng biên. Gieo gì gặt nấy. Gieo tình yêu thương sẽ gặt được lòng tin cậy. Mà nói như anh em biên phòng thì: "Dân còn tin yêu Ðảng, tin yêu Nhà nước, tin yêu Bộ đội Biên phòng và yêu biên giới thì bờ cõi biên cương của Tổ quốc sẽ còn được giữ vững". Với niềm tin ấy, nhân dân sẽ là tai mắt, là điểm tựa của các chiến sĩ biên phòng nơi rừng sâu núi thẳm. Dân yên, biên giới sẽ yên.
Ngày nay, nhân dân cả nước biết đến bộ đội biên phòng không chỉ là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, mà còn biết đến bộ đội biên phòng là những thầy giáo quân hàm xanh hết lòng yêu thương học trò, những bác sỹ tận tụy khám chữa bệnh cho người dân, là người cán bộ xã, người kỹ sư khuyến nông của dân bản giúp bà con phát triển sản xuất, dũng cảm trong phòng chống thiên tai, giúp đỡ nhân dân khi hoạn nạn. 55 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã là thể hiện sinh động của đội quân chiến đấu và đội quân công tác. Bởi vì, mỗi chiến sĩ biên phòng – những người lính bộ đội cụ Hồ đều hiểu rằng, lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ “phên giậu” của Tổ quốc./.