Xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở: Cần thiết và minh bạch

Việc xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm tạo thêm cơ hội có nhà ở cho số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang lập đề án về Quỹ tiết kiệm nhà ở, như là một trong những định chế tài chính để tạo thêm cơ hội có nhà ở cho những người lao động làm công ăn lương. Không ai nghi ngờ về mục tiêu tốt đẹp của Quỹ tiết kiệm nhà ở, nhưng việc xây dựng nó như thế nào và sử dụng ra sao thì có nhiều ý kiến bàn luận.

Về nguyên tắc, là từ khoảng hai chục năm nay, chi phí cho nhu cầu nhà ở đã được cơ cấu vào tiền lương. Vậy nên nếu bây giờ quyết định xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở từ tiền lương dễ nhận được sự đồng tình của nhiều người, hoặc ít nhất thì những doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trả lương cho người lao động cũng không có cơ sở để phản bác.

Nhưng nguyên tắc không phải là thực tiễn. Thứ nhất là trong nhiều năm qua chưa thấy ai lo được nhà ở bằng tiền lương. Thứ hai là tiền lương vốn đã không theo kịp mặt bằng giá cả tiêu dùng, bây giờ hàng tháng lại trích ra một vài phần trăm để dành cho tương lai, đương nhiên mọi người phải tính toán. Và thứ ba là không phải tất cả 9 triệu người đang làm công ăn lương đều có nhu cầu về nhà ở như ước tính của Bộ Xây dựng. Do đó, việc xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở không thể làm theo cách giống như bảo hiểm xã hội, tức là không có cơ sở để bắt buộc mọi người làm công ăn lương cùng tham gia.

Người dân xếp hàng bốc thăm quyền mua nhà thu nhập thấp tại dự án Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (ảnh: Internet)

Trước những ý kiến như vậy, Bộ Xây dựng đang lập đề án về Quỹ tiết kiệm nhà ở theo mô hình phi lợi nhuận với mức đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên, việc này cũng không đơn giản. Bởi vì sự tự nguyện chỉ thu hút được số đông khi họ có điều kiện gần như nhau. Trong khi đó, người lao động làm công ăn lương ở trong từng doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã có hoàn cảnh rất khác nhau, chưa nói đến phạm vi cả nước với gần chục triệu người hưởng lương. Mức thu nhập hàng tháng của từng người, từng gia đình cũng không như nhau. Nhu cầu của họ càng đa dạng hơn nữa. Không có số đông tự nguyện thì số ít phải đóng góp với mức cao hơn mới có thể hình thành được quỹ khả dụng. Nhưng làm sao có thể tự nguyện đóng quỹ ở mức cao khi mà tiền lương đã quá lạc hậu so với giá cả tiêu dùng như hiện nay (?!).

Khó như vậy, nhưng nếu như Nhà nước và các doanh nghiệp cùng tham gia vào xây dựng quỹ với người lao động làm công ăn lương thì có thể hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở trên thực tế. Trước hết là những doanh nghiệp có đông lao động có nhu cầu về nhà ở nên tham gia vào quỹ này. Nhưng quan trọng hơn, theo chúng tôi, là Nhà nước cần có quy định về việc các doanh nghiệp xây dựng - kinh doanh bất động sản phải đóng góp vào Quỹ tiết kiệm nhà ở. Cho Quỹ này vay với lãi suất thấp nhưng sẽ không thiệt thòi, vì người được vay ưu đãi sẽ tiêu thụ nhà ở của chính doanh nghiệp đó. Và chỉ khi tham gia đóng góp thì đến lúc cần vốn các doanh nghiệp xây dựng - kinh doanh bất động sản mới được Quỹ tiết kiệm nhà ở hỗ trợ. Định chế tài chính này khi đó sẽ được quản lý và sử dụng linh hoạt, vừa hỗ trợ cho nguồn cung là các doanh nghiệp xây dựng kinh doanh bất động sản, vừa hỗ trợ cho người lao động làm công ăn lương có nhu cầu về nhà ở.

Trong điều kiện các ngân hàng đang phải giảm dần tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng - kinh doanh bất động sản lại càng cần có một định chế tài chính linh hoạt. Bởi trong nhiều năm qua, nguồn tài chính cho lĩnh vực này chủ yếu thông qua ngân hàng. Ngân hàng bơm vốn cả đầu vào và đầu ra. Nhà đầu tư và giới đầu cơ thì mua đi bán lại lòng vòng. Nếu không nói là phi sản xuất thì sản phẩm của ngành sản xuất bất động sản cho dù rất cần thiết nhưng vẫn không đến được với người tiêu dùng đích thực, không được xã hội chấp nhận vì giá đã bị thổi lên quá cao so với giá trị thật, càng quá xa vời so với nhu cầu có khả năng thanh toán của số đông người lao động làm công ăn lương.

Mới thấy rằng, tuy hơi muộn, nhưng việc xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở như vừa nêu là vô cùng cần thiết, nhằm tạo thêm cơ hội có nhà ở cho số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần lành mạnh hoá thị trường tài chính bất động sản. Vấn đề là cần có cơ chế thích hợp để xây dựng Quỹ này một cách rõ ràng, công bằng, sau đó là quản lý sử dụng Quỹ thật minh bạch, hiệu quả. Quỹ tiết kiệm nhà ở nên được sử dụng trước hết vào các dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, các dự án phù hợp với khả năng thanh toán của số đông dân cư…, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng “bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng”./.         

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên