Xóa sổ dự án “treo”, trả đất cho dân
VOV.VN -Đây là việc làm thiết thực khi mà hàng trăm dự án “treo”, hàng nghìn héc ta đất bị bỏ hoang không mang lại hiệu quả gì.
Hàng nghìn héc ta đất dự án khu công nghiệp “treo” cả chục năm để cỏ mọc um tùm nay được trả lại cho dân. Đây thực sự là tin mừng đối với người nông dân tỉnh Long An những ngày đầu năm mới 2014. UBND tỉnh đã quyết định xóa 11 dự án quy hoạch treo từ năm 2005, trả lại gần 1.600 ha đất cho nông dân tổ chức lại sản xuất. Cách làm này cần được các địa phương khác trong cả nước cùng nghiêm túc thực hiện: xóa sổ ngay những dự án không hiệu quả, để lãng phí đất đai, trả lại tư liệu sản xuất cho người nông dân.
Long An được xem là địa phương khởi xướng cho việc hủy bỏ các dự án đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf… không hiệu quả, giao lại đất cho nông dân sản xuất. Từ năm 2012, tỉnh Long An đã thu hồi tổng cộng hơn 3.000 ha của 21 dự án “treo”. Đầu năm nay, tỉnh tiếp tục xóa 11 dự án quy hoạch treo từ năm 2005, trả lại gần 1.600 ha đất cho nông dân trồng cấy.
Hiện vẫn còn hàng nghìn héc ta đất, dự án "treo" không mang lại hiệu quả gì (ảnh minh họa) |
Hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp của người nông dân trên cả nước đã bị thu hồi để phục vụ mục đích phát triển khu, cụm công nghiệp, dịch vụ. Thu ruộng đất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân địa phương, đó là việc tất yếu và đáng mừng. Thế nhưng, lấy đi "bờ xôi ruộng mật” của nông dân để rồi "đắp chiếu” để cỏ mọc bời bời đến hơn chục năm thì thật lãng phí và có tội với nông dân, trong khi bà con không có đất sản xuất.
Đáng tiếc rằng, tình trạng những dự án khu công nghiệp bỏ hoang, quy hoạch treo lại có khá nhiều ở các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, nơi ruộng đất phì nhiêu.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2013, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp bình quân cả nước chỉ đạt 60% (có nghĩa là 40% những khu công nghiệp đã thu hồi đất của dân, đã san ruộng, xây bờ rào nhưng không hề hoạt động nhiều năm nay). Thậm chí, ở một số địa phương như tỉnh Tây Ninh có đến hơn 80% khu công nghiệp là quy hoạch “treo”, bỏ không tới 3.000 ha đất; tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng để hoang, chưa lấp đầy gần 70% khu công nghiệp đã quy hoạch.
Nguyên nhân tại sao để xảy ra hiện tượng các khu công nghiệp “treo” nhiều đến thế chắc sẽ cần phải bàn ở nhiều góc độ, nhưng điều mà ai cũng thấy rõ là sự lãng phí lớn từ tình trạng này. Một ha đất nếu được sử dụng cho trồng rau, trồng lúa sẽ cho thu nhập chí ít cũng vài trăm nghìn đồng/tháng.
Như vậy, hàng trăm nghìn ha đất bị bỏ hoang trong hơn chục năm nay, thiệt hại lớn đến nhường nào? Đó là chưa tính đến việc nhiều ruộng đất đã được san ủi, đổ cát gạch lên, làm mất lớp màu mỡ của bờ xôi ruộng mật thì khó có thể quay lại trồng cấy được. Lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, căn bệnh độc quyền, áp đặt ý chí chủ quan đã khiến những người đặt bút ký phê duyệt quy hoạch những dự án treo này không lường trước và cũng không cần nghĩ tới hậu quả.
Xóa sổ những dự án treo, trả lại ruộng vườn cho nông dân, việc này tuy không còn sớm, nhưng cũng chưa hẳn đã quá muộn. Điều đó cho thấy những người có trách nhiệm đã nhận ra thiếu sót, tìm cách sửa chữa sai lầm và không để tiếp tục sai lầm thêm nữa.
Một số địa phương khác như Tây Ninh, An Giang, Bắc Ninh cũng đã và đang học theo Long An, xóa bỏ những dự án khu công nghiệp bỏ hoang, không hiệu quả, trả lại ruộng đất để nông dân tiếp tục trồng cấy. Và đây cũng không phải chỉ là việc riêng của Long An hay một vài tỉnh khác mà cần được nghiêm túc thực hiện trong cả nước, để hàng nghìn ha “tấc đất tấc vàng” không bị bỏ hoang, để nông dân không phải chịu thiệt thòi thêm nữa!./.