Xử lý biệt thự bỏ hoang: Sao lại gọi là nhạy cảm?

Chỉ cần quyết tâm là có thể làm sáng tỏ được mọi vấn đề về biệt thự bị bỏ hoang.

Hà Nội đã không thực hiện đúng thời hạn báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng và hướng xử lý biệt thự bỏ hoang. Sở Xây dựng Hà Nội đến sát ngày 15/2 vẫn đang kiểm tra tại cụm dân cư An Sinh, Mỹ Đình 2, Từ Liêm,  Hà Nội. Lý do chậm trễ được một cán bộ lãnh đạo Sở này nói rằng, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm. Tuy nhiên, theo phóng viên VOV, trong vấn đề này không có gì là nhạy cảm cả.

Thứ nhất, việc thống kê số biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội không hề khó khăn. Những biệt thự đó quá dễ nhìn thấy, chứ đâu phải là những cái kim mà che giấu đi được. Theo ước tính đến nay tại gần 90 dự án nhà ở và khu đô thị mới của Hà Nội có hơn 12.000 biệt thự. Khoảng 20% số biệt thự này đã hoàn thiện và có người đến ở. Trong 80% số biệt thự còn lại thì gần một nửa đang được hoàn thiện từng phần. Còn hơn một nửa, tức là trên (dưới) 5.000 biệt thự bỏ hoang từ 3-5 năm nay, có nơi đã bỏ hoang tới 7-8  năm.

Thứ hai là phân loại các biệt thự bỏ hoang cũng không quá khó khăn và chẳng có gì để nói là nhạy cảm. Một số khu biệt thự không có người ở bắt nguồn từ việc quy hoạch không phù hợp, thiếu trường học, bệnh viện và các điều kiện khác nhằm đáp ứng các nhu cầu của cư dân. Phân loại theo hướng này rất dễ đề xuất các phương án xử lý. Nếu lỗi do quy hoạch thì Nhà nước trợ giúp, nhà đầu tư có trách nhiệm chung sức để quy hoạch lại cho đồng bộ.

Những biệt thự bỏ hoang

Nếu lỗi từ chủ đầu tư hay nhà thầu thi công thì cũng có thể xử lý linh hoạt cho phù hợp với quy hoạch chung. Nhà nước có thể thu hồi những phần sai với dự án, mua hoặc thuê lại những phần chậm tiến độ để sớm hoàn thiện rồi sử dụng vào mục tiêu công ích.

Tuy nhiên, ngay tại những khu dân cư, khu đô thị được quy hoạch phù hợp vẫn còn rất nhiều biệt thự bỏ hoang. Vậy nên cần phân loại theo nguồn gốc và chủ nhân hiện tại của từng biệt thự, để thấy rõ vì sao họ bỏ hoang biệt thự, từ đó có phương án xử lý đúng đắn, hợp lý hợp tình.

Theo ý kiến của các nhà quản lý thì trong số các biệt thự bỏ hoang có nhóm người không đủ khả năng tài chính để theo kịp tiến độ xây dựng. Cũng có nhóm người mua với mục đích dành tiền, để đồng tiền không bị mất giá, chứ không có nhu cầu để ở hoặc cho thuê. Đối với 2 nhóm chủ nhân này thì không cần chế tài gì đặc biệt.

Khó khăn nằm ở 2 nhóm chủ nhân khác. Đó là nhóm người mua để đầu cơ, với tâm lý cứ đổ tiền vào bất động sản là có lợi. Và không ngoại trừ có nhóm người kiếm tiền bất chính đã đầu tư vào các khu biệt thự để rửa tiền. Đối với nhóm cuối cùng cần xử lý bằng chế tài mạnh và làm kiên quyết, triệt để. Không có khó khăn gì trong việc xác định chủ nhân cũng như nguồn gốc tài sản của họ. Kể ra như vậy để thấy rằng, vấn đề này không có gì gọi là nhạy cảm cả.

Trong quá trình xử lý, cho dù thiệt hại về phía Nhà nước, chủ dự án, phía nhà thầu thi công, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay là thiệt hại của chủ nhân biệt thự bỏ hoang, thì cũng đều là cái giá phải trả cho việc lập lại trật tự, công bằng, tránh lãng phí, tiêu cực trong  lĩnh vực này.

Về lâu dài cần lấp đầy những khiếm khuyết về chính sách quản lý bất động sản, ngăn chặn nạn đầu cơ bằng công cụ chính sách, pháp luật. Trong quy hoạch thì các cấp thẩm định và phê duyệt cần làm việc cụ thể, kỹ lưỡng và quan trọng là không được cài đặt lợi ích cá nhân vào.

Sai phạm, lãng phí và cả biểu hiện tiêu cực đã hiện rõ, chỉ cần quyết tâm là có thể làm sáng tỏ được mọi vấn đề. Nếu không, quyền lực Nhà nước, chính sách, pháp luật cũng có thể bị để “hoang hoá” như các biệt thự kia vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên