Xuân yêu thương

(VOV) - Được sống trong yêu thương và hạnh phúc có lẽ là ước mơ của bất kỳ ai khi sinh ra trên đời.


Ba mươi Tết, khi những người đi xa đang hối hả về với gia đình. Dưới mỗi mái nhà, dù giàu hay nghèo, ta cũng sẽ thấy rất nhiều tín hiệu của mùa xuân đang về… Trong nỗi nhớ của những người xa xứ, nỗi cô đơn của những phận đời hưu quạnh, hay sự viên mãn trong đoàn tụ, sum họp của những gia đình may mắn… đều có chung một khao khát và ước vọng về hạnh phúc và tình yêu thương.

Vâng, được sống trong yêu thương và hạnh phúc có lẽ là ước mơ của bất kỳ ai khi sinh ra trên đời. Nó không chỉ là tiêu chí đánh giá sự thành công của mỗi cuộc đời, mỗi số phận, mà nó còn là thước đánh giá mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi chế độ xã hội.

Tình yêu thương là một thiên tính bản năng của con người (Ảnh Hải Sơn)

Một đất nước có thành công hay không, một chế độ chính trị có ưu việt hay không được đo bằng giá trị đời sống vật chất và tinh thần mà công dân của nó được hưởng. Tự do, bình đẳng, bác ái hay dân chủ, công bằng, văn minh là những tiêu chí cơ bản, phổ quát mà suy cho cùng được thể hiện ra bằng chỉ số hạnh phúc của mỗi cuộc đời. Và người ta chỉ có thể hạnh phúc khi được sống trong sự che trở, bao bọc của tình yêu thương giữa con người với con người.

Tôi ngồi đây, trong ngày cuối cùng của năm Nhâm Thìn, chứng kiến thời gian chậm chậm trôi đến giây phút chuyển giao với năm mới Tân Tỵ, ngẫm ngợi về con đường bản thân mình, gia đình mình đã đi qua trong dòng chảy chung của đất nước và dân tộc.

Và tự nhiên, tôi thấy sao mà lòng nhân ái, tình yêu thương lại quan trọng đến như thế trong bối cảnh hiện nay.

Liên tục mấy năm trở lại đây, cần phải nói thẳng rằng tuy kinh tế vẫn tiếp tục tăng trường, năm cao, năm thấp, Chính phủ đã rất cố gắng, tuy vậy tính cân bằng, ổn định thì chưa có. Nhiều xáo trộn, thay đổi tạo ra tâm lý bất an. Đặc biệt, năm Nhâm Thìn này, có thể nói là năm đỉnh điểm khó khăn trong nhiều năm trở lại đây. Nợ xấu tăng cao, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, giải thể, phá sản, công ăn việc làm bấp bênh… Đó là những nguyên nhân xâu xa của tâm trạng bất an tồn tại như một hiện thực xã hội.

Từ kinh tế, kéo theo rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Tội phạm gia tăng, nhất là nhóm tội phạm xã hội và kinh tế như đâm chém, cướp giật, tham nhũng. Đáng lo hơn là tâm trạng bàng quan, vô cảm trước những vấn đề lớn của đất nước, thời cuộc. Người ta nghĩ đến mình quá nhiều, lối sống vị kỷ, hưởng thụ thể hiện ra bằng tâm lý tranh đoạt, cướp bóc, chen lấn, xô đẩy bất chấp luân thường, đạo lý… lắm khi trở thành phổ biến.

Những hiện tượng, sự việc cụ thể gây nhức nhối đủ làm cho dư luận xã hội bất bình, nổi giận. Thái độ ấy thể hiện một tâm lý mong chờ quá trình đổi mới phải nhanh chóng, gấp gáp và quyết liệt hơn. Bởi chúng ta có thể đi nhanh so với chính mình trước đây nhưng nhân loại thì vẫn đang sải những bước rất dài.

Cho nên, có lẽ phải nói nhiều hơn về tình yêu thương giữa con người với con người. Đó là một trong những giá trị nhân bản nhất, vừa là mục tiêu phát triển, vừa là bản chất của mọi xã hội. Những vấn đề lớn lao như sửa đổi Hiến Pháp, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế… đều phải xuất phát trên một động cơ lớn nhất: Vì con người, làm lan tỏa sâu rộng tình yêu thương giữa con người với con người.

Xuất phát từ tình yêu thương, đi cùng tình yêu thương, lòng nhân ái, chúng ta sẽ vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, xáo trộn mà vẫn là chính mình, vẫn là dân tộc Việt Nam với câu ca nổi tiếng: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi cái chết của một em bé mới hơn 3 tuổi, đó là bé Đặng Ngọc Thanh Tâm ở Long Đất, Bà Rịa-Vũng Tàu. Em chết vì bế em ruột chạy khỏi một tổ ong vò vẽ, vì che chở cho em mình mà bé bị ong đốt chết. Bây giờ mồ em chắc cỏ đã xanh nhưng câu chuyện về sự hy sinh của thiên thần bé nhỏ này sẽ còn lay động chúng ta mãi mãi.

Tình yêu thương là một thiên tính bản năng của con người và với Người Việt mình nó càng nổi trội hơn. Đó phải chăng cũng là một nét nổi trội của giá trị Việt!

Tôi cũng xúc động về câu chuyện lo lương hưu cho nông dân ở xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Trong khi Nhà nước chưa có khả năng chăm sóc an sinh xã hội cho toàn bộ nông dân khi họ hết tuổi làm việc, thì ở xã này đã hình thành một quỹ hưu nông dân. Giờ đây, mọi nông dân trong xã Thanh Văn khi bước vào tuổi 60, mỗi tháng đều được hưởng một khoản lương là 350.000 đồng. Con số này, với ai đó có thể là rất nhỏ, nhưng với những người nông dân chân lấm tay bùn lam lũ cả một đời, ý nghĩa của khoản tiền này đã vượt ra ngoài giá trị tuyệt đối của nó. Chỉ có xuất phát từ tình yêu thương chân chính và sâu sắc với con người, người ta mới có thể làm được như thế.

Bạn hãy nhìn ra xunh quanh mình và chịu khó quan sát, từ trong mái nhà của chúng ta hay xã hội xunh quanh, sẽ còn nhiều lắm những câu chuyện về lòng yêu thương.

Đó là cơ may cho xã hội chúng ta.

Tôi xin mượn ý của một đồng nghiệp, lòng tốt vẫn đua nhau về dưới nắng.

Chúng ta hãy làm cho lòng tốt, tình yêu thương được nhân rộng, lan tỏa như sức sống vình cửu và sự mãnh liệt của mùa xuân đang về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên