Xứng đáng với truyền thống báo chí cách mạng

Báo chí cần khắc phục một số biểu hiện lệch lạc để thực hiện tốt nhiệm vụ vinh quang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với truyền thống cách mạng.  

87 năm qua đã ghi nhận sự đồng hành của báo chí đối với các cuộc đấu tranh giành, giữ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Báo chí ngày nay với một đội ngũ có thể nói là hùng hậu, tiếp tục phát huy truyền thống là công cụ cách mạng phản ánh sự phát triển đi lên của đất nước, của dân tộc; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của của nhân dân, là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Đội ngũ cách mạng hùng hậu ấy gồm 786 cơ quan báo chí, 194 tờ báo in, 592 tạp chí, 61 báo điện tử, 67 đài phát thanh - truyền hình, 191 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử, với khoảng 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Giao lưu giữa các thế hệ nhà báo Đài TNVN (Ảnh: Minh Dương)

Nêu ra những con số cụ thể ấy để thấy rằng, báo chí hiện nay thực sự là một lực lượng xã hội lớn mạnh, nhờ đó có thể thông tin kịp thời bằng nhiều kênh phù hợp với người đọc, người xem, người nghe, kể cả những người khuyết tật cũng không bị thiệt thòi trong việc tiếp nhận thông tin và các món ăn tinh thần phong phú, đa dạng. Với lực lượng hùng hậu ấy, báo chí phản ánh được nhiều vấn đề, sự kiện theo cả chiều rộng và chiều sâu, vừa có tính thời sự nóng hổi vừa có tính hệ thống xuyên suốt.

Các diễn đàn đa dạng được mở trên nhiều kênh truyền thông khác nhau là nơi tập hợp ý kiến phản biện tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân sĩ, trí thức, của các hiệp hội ngành nghề, cơ quan hữu quan, góp phần để cơ quan quản lý có những quyết định kịp thời trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.

Báo chí cũng là phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng để nêu gương và tôn vinh người tốt, khơi dậy và làm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời đấu tranh có hiệu quả với những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tha hóa; giúp cho kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, vun đắp tình hữu nghị và mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.

Có lực lượng hùng hậu và vai trò quan trọng như thế, nhưng báo chí cũng cần khắc phục một số biểu hiện lệch lạc để thực hiện tốt nhiệm vụ vinh quang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với truyền thống cách mạng gần một thế kỉ qua.

Trước hết nói về vai trò của nhà báo. Bác Hồ căn dặn, người làm báo phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung và cách viết. Hiểu rộng ra, làm báo thực chất là hoạt động chính trị.

Nhà báo phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ nhận thức, phải đằm mình vào thực tiễn cuộc sống để tích lũy kinh nghiệm, và không kém phần quan trọng là phải liên tục trau dồi, rèn tập và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp yêu cầu nhà báo phải viết chính xác, đảm bảo công bằng, nhanh nhạy, kịp thời, nhưng phải cân nhắc tới ảnh hưởng xã hội.

Giữ đạo đức trong nhiều trường hợp không phải dễ dàng, bởi chạy theo thông tin dễ dẫn tới xử lý không chính xác, nhất là trong những vụ việc nhạy cảm. Đạo đức nghề báo càng không bao giờ chấp nhận những hành vi cóp nhặt thông tin một cách thô thiển, lấy sản phẩm của người khác ghi tên mình vào để trục lợi.

Cùng với đạo đức của người làm báo, từng tòa báo, cơ quan chủ quản báo chí cần làm tốt việc kiểm chứng thông tin, trích dẫn nguồn tin, bởi gần đây không ít tờ báo rơi vào tình trạng sẵn sàng đưa “tin vịt”, thậm chí có cả tin bịa đặt, vu khống. Để câu khách, nhiều báo không ngần ngại thông tin theo kiểu bé xé ra to, đi sâu vào chi tiết sự vụ với những mô tả và cả hình ảnh, clip rất phản văn hóa...

Về ngôn ngữ báo chí thì tiếng Việt đang bị làm xấu đi nghiêm trọng, nhiều trường hợp biến tướng đáng sợ. Khi thông tin trên báo chí thiếu chính xác, tội ác và cái xấu chẳng những không bị lên án lại còn được thể hiện một cách tự nhiên đến vô cảm, thì người ta gọi đó là sự lợi dụng báo chí, hạ thấp những nguyên tắc cơ bản của nghề nghiệp.

Và cuối cùng, một lần nữa xin nhắc lại lời cảnh báo về tình trạng chạy theo thị hiếu tầm thường mà nhiều tờ báo thiếu kiểm soát để xa rời tôn chỉ, mục đích. Đối với mỗi tờ báo đó là sự tự đánh mất mình, làm giảm sức chiến đấu, không còn xứng đáng với truyền thống báo chí cách mạng nữa. Nhưng đối với làng báo nói chung thì những trường hợp ấy xảy ra nhiều sẽ làm giảm đi sự tin cậy của xã hội đối với báo chí.

Làm báo mà không được tin cậy nữa thì đó chính là sự trừng phạt nghiêm khắc. Vì vậy mà không được để tình trạng ấy kéo dài, bởi đến lúc nào đó sẽ khó mà gây dựng lại được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên