Y đức không phải nói suông!
VOV.VN -Thu nhập của bác sĩ còn thấp, mưu sinh vất vả khiến có bộ phận y bác sĩ thiếu bản lĩnh đã không còn giữ được y đức.
Những ngày này, chúng ta có thể bắt gặp nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cảm ơn bác sĩ bằng những bó hoa hay những món quà khác nhau. Ở một chiều khác của cuộc sống, mấy ai biết rằng, sau mỗi giờ phút sinh - tử với bệnh nhân, các thầy thuốc lại tất tưởi lo làm thêm để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Làm sao để nghề y giữ được giá trị cốt lõi là chữa bệnh cứu người, để việc mưu sinh không làm mờ đi y đức, đó là điều hầu hết những người làm nghề y vẫn đang trăn trở.
Có 1 câu chuyện mà GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, người đã có gần như cả cuộc đời gắn bó với công tác khám chữa bệnh và đào tạo trong ngành kể lại. Mỗi lần nhắc đến chuyện này ông lại rơi nước mắt. Đó là quãng thời gian cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, khi ông đến công tác tại bệnh viện Kon Tum và gặp một trường hợp cháu bé bị viêm mủ ngoài màng tim.
Các y, bác sĩ tại TP HCM luôn cố gắng hết mình để đem đến hạnh phúc cho bệnh nhân (Ảnh: Hiếu Hiền) |
Sau khi hội chẩn, các ông đề nghị gửi cháu bé về bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM để mổ. Nhưng mẹ cháu bé đã qùi sụp xuống lạy bác sỹ và nói rằng, nếu về BV Chợ Rẫy thì bà không biết làm thế nào để nuôi những đứa em của cháu bé này. Xin bác sĩ hãy để con bà chết ở đây!
Chuyện đã lâu rồi nhưng cho đến tận bây giờ, trên đất nước hình chữ S của chúng ta vẫn có hàng triệu người nghèo gặp khó khăn trong khám chữa bệnh. Vì vậy, một nền Y tế tốt là phải làm sao đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, với các chính sách hướng tới người nghèo.
Một câu chuyện khác xảy ra mới đây, được xem là kỳ tích của ngành Y khi lần đầu tiên trong lịch sử cứu sống một bệnh nhân bị vỡ tim. Bệnh nhân này vốn có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường. Ngay sau khi bị đột quỵ và mất tuần hoàn tại Hải Dương, bệnh nhân đã lập tức được chuyển lên bệnh viện Tim Hà Nội. Không chần chừ một phút một giây nào, kíp cấp cứu của bệnh viện Tim Hà Nội đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để cứu sống bệnh nhân. Một bác sĩ bệnh viện này chia sẻ, nếu lúc đó không xé áo, mổ phanh để cấp cứu mà tuân thủ đúng các quy định nghề nghiệp và thủ tục hành chính thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Trên giường bệnh, người đàn ông vỡ tim từ cõi chết trở về đã thổn thức gọi cho con cháu để báo rằng, sức khỏe mình đang hồi phục dần. Ông chưa thể đi mua hoa để cảm ơn kíp phẫu thuật hàng trăm người đã cứu sống mình, nhưng trong buổi chiều cận ngày Thầy thuốc 27/2, giọt nước mắt tri ân của những người con của bệnh nhân này đã rơi trong căn nhà nhỏ tại Hải Dương.
Mỗi năm, các thầy thuốc trong cả nước đã cứu sống hàng vạn, hàng chục vạn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó, chưa ai thống kê được là có bao nhiêu thời khắc y đức tỏa sáng mang phúc lành cho người bệnh như câu chuyện vừa kể ở bệnh viện Tim Hà Nội. Thế nhưng, cũng có mấy ai thấy được trong chiều khác của cuộc sống, sau giờ phút sinh - tử với bệnh nhân, nhiều thầy thuốc phải tất tưởi lo làm thêm để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Học nghề 6 năm, và cũng phải mất chừng ấy năm nữa, họ mới xác lập được chỗ đứng và niềm tin với người bệnh, trong khi ngày nối ngày là những ca trực và giờ làm thêm.
Hiện nay, thu nhập trung bình của một bác sĩ công tác khoảng 10 năm tại bệnh viện công lập là trên dưới 10 triệu đồng. Công việc vất vả, bệnh nhân luôn luôn quá tải, trong khi họ phải niềm nở, giải thích cặn kẽ, dặn dò chu đáo. Cũng chính vì sự quá tải ấy mà mỗi khi phải đến bệnh viện, hầu hết mọi người đều chuẩn bị phong bì, quà cáp cho bác sỹ để hy vọng được quan tâm, được chăm sóc tận tình hơn. Tình trạng này kéo dài làm cho y đức bị lu mờ. Để lý giải có thể đưa ra nhiều lý do, nhưng một nguyên nhân cơ bản là thu nhập của bác sỹ còn thấp. Mưu sinh vất vả khiến có bộ phận y bác sỹ thiếu bản lĩnh mang nghề nghiệp ra để đặt giá, làm giàu.
Trở lại cách nhìn nhận về một nền y tế tốt là phải đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, để mọi người từ giàu đến nghèo đều được những y bác sỹ khám chữa bệnh, điều trị bằng cả tấm lòng. Nhưng trong kinh tế thị trường, một thầy thuốc giỏi chẳng có lý do gì phải nghèo khó. Để mưu sinh không làm mờ y đức, gốc vấn đề là chính sách lương bổng, đãi ngộ cho người làm nghề y.
Y đức không đến từ những quy định, nội dung bắt buộc phải tuân thủ, cũng không thể có được dễ dàng bằng cách tăng thêm các tiết giảng về đạo làm nghề. Quan trọng hơn là phải làm sao để thầy thuốc tận tâm, tận lực chữa người bệnh cứu người, không phải phân tâm tìm kiếm thu nhập từ làm thêm, phong bì hay hoa hồng của hãng dược. Y đức không phải câu chuyện nói suông là vì thế./.