17 năm truy tìm nghi can cuối cùng trong vụ thảm sát đêm giao thừa
Sau 17 năm mai danh ẩn tích, Quách Văn Sáu - nghi can trong vụ thảm sát đêm giao thừa ở Đắk Lắk không ngờ rằng y vẫn sa lưới pháp luật.
Đêm giao thừa tang tóc
Đêm 9/2/1994, gia đình ông Hà Đạt Đảng (SN 1938, ở thôn 2, thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đang chuẩn bị đón giao thừa. Thời điểm đó phong tục đốt pháo vào dịp tết vẫn còn nên cả nhà sắp đặt hương hoa, trái cây, bánh mứt chờ đến thời khắc ông Đảng thắp hương khấn vái tổ tiên. Hai trong số ba đứa con của ông là Hà Thị Thu Huyền, Hà Văn Đạt mang pháo treo trước sân để châm ngòi.
Giữa lúc pháo nổ râm ran, một nhóm người đội mũ len, tay cầm súng, dao lê ập vào, ông Đảng chưa kịp kêu thì gã cầm súng trường đã siết cò khiến ông gục tại chỗ.
Từ ngoài sân, hai cháu Huyền, Đạt bị khống chế đẩy vào nhà, trong khi vợ ông Đảng là bà Nguyễn Thị Luận cùng con gái lớn Hà Thị Thu Hà vừa từ phòng ngủ lao ra thì hai tiếng nổ nữa vang lên. Cháu Hà tử vong, còn bà Luận bất động vì trọng thương do đạn xuyên vùng bụng.
Quách Văn Sáu sa lưới sau 17 năm lẩn trốn. |
Chứng kiến thảm cảnh cha mẹ cùng chị gái bị sát hại, Huyền - Đạt hoảng loạn gào khóc, nhưng đã bị những kẻ lạ mặt bóp cổ, nhét giẻ vào mồm, dùng dây dù trói tay chân. Trong chớp nhoáng, nhóm sát nhân máu lạnh ập vô phòng ngủ, cạy phá tủ gỗ, cướp hai sợi dây chuyền, một nhẫn vàng và chiếc đồng hồ đeo tay rồi vội vã tẩu thoát khỏi hiện trường.
Lát sau bà Luận hồi tỉnh, vừa đưa tay ôm vết thương đang chảy máu vừa gắng sức bò ra phòng khách mở dây trói để Huyền - Đạt chạy sang nhà hàng xóm kêu cứu. Xót xa thay, bà Luận đã tử vong trên đường cấp cứu.
Nhóm hung thủ "máu lạnh"
Kết quả khám nghiệm cho thấy ba nạn nhân tử vong do trúng đạn súng quân dụng AR15, nhóm sát thủ có từ 4-5 đối tượng, trong đó một tên nói tiếng Bắc. Cùng với việc rà soát mối quan hệ của một số đối tượng hình sự, thanh niên lêu lổng và những người từ nơi khác đến tạm trú, trinh sát tăng cường giám sát các tiệm vàng để đón lõng đối tượng nghi vấn. Trinh sát phát hiện một số nghi can bất ngờ rời khỏi nơi tạm trú ở Nông trường 3 (huyện Krông Ana) sau khi xảy ra trọng án.
Nổi cộm trong số đó là Quách Văn Sáu (SN 1970), Bùi Văn Hải, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Tuyển, Hoàng Anh Tuấn cùng từ các tỉnh phía Bắc vào lưu cư tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana và Phạm Văn Sơn (trú xã Ea Pal, huyện Ea Kar).
Sau 19 ngày ráo riết truy lùng, trinh sát bắt giữ nghi can thứ nhất là Phạm Văn Sơn khi hắn đang ẩn mình dưới vỏ bọc người làm thuê tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. 3 ngày sau, thêm hai đối tượng Hải, Tuyển sa lưới.
Bọn chúng khai nhận, ngày 7/2/1994 Sáu cùng Hải, Tuấn, Tuyển, Đức xuống nhà Sơn nhậu và bàn tính cướp tài sản. Sau khi thống nhất mục tiêu, cả nhóm mang theo 1 khẩu súng AR15, 1 dao lê, 1 súng nhựa kiểu Rulo, găng tay, mũ len, dây dù đột nhập nhà ông Đảng trong đêm giao thừa.
Sau vụ thảm sát, cả nhóm giấu súng và dao trong vườn nhà Sơn rồi theo Sáu xuống xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa ẩn náu. Một tuần sau, Sáu cùng đồng bọn lén lút về nhà Sơn lấy vũ khí đem xuống giấu trong khu rừng ở Ninh Sim, rồi mỗi người tự tìm đường lẩn trốn.
Sa lưới sau 17 năm ẩn tích
Kẻ chủ mưu cùng các đối tượng trong nhóm cướp lần lượt bị truy bắt và hầu tòa, nhưng Quách Văn Sáu vẫn biệt dạng. Ngoài việc phát lệnh truy nã đối tượng đặc biệt nguy hiểm trên toàn quốc, nhiều mũi trinh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã lùng tìm ở nhiều địa phương, nhưng bóng Sáu vẫn bặt tăm.
Với quyết tâm không để hắn tiếp tục hành trình lẩn trốn, những địa chỉ người thân của đối tượng luôn nằm trong tầm kiểm soát của trinh sát, trong đó có anh em ruột của hắn là Quách Sĩ Ngại, Quách Văn Bảy, ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa.
Cuối tháng 2/2011, có nguồn tin cho hay ngoài đứa con trai của Ngại vừa mãn hạn 9 năm tù vì tội cố ý gây thương tích, trong nhà còn một đối tượng có đặc điểm nhân dạng giống Sáu. Lập tức mũi trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Đắk Lắk phối hợp các đồng nghiệp ở Công an Khánh Hòa tiếp cận địa chỉ trên, xác định Sáu đang ẩn mình trong nhà Ngại. 10h ngày 26/2/2011, hai mũi trinh sát bất ngờ ập vào bắt gọn.
Theo lời khai, sau khi rời xã Ninh Sim, Sáu đi bộ dọc đường sắt xuyên Việt về hướng nam rồi dừng lại ở Ninh Thuận, tự tạo vỏ bọc bằng tên Nguyễn Văn Đạo để làm thuê kiếm sống. Đến năm 2000, Sáu lập gia đình, sinh sống ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và đã có ba con.
Đầu năm 2011, nghe tin anh em Ngại - Bảy trúng đậm mùa mía, Sáu dẫn vợ con về xã Ninh Thượng và không thể ngờ rằng sau 17 năm mai danh ẩn tích vẫn sa lưới pháp luật tại một vùng quê hẻo lánh.
Dù không trực tiếp nổ súng sát hại những người trong gia đình ông Đảng, nhưng Quách Văn Sáu vẫn phải trả giá bằng án tù chung thân tại phiên xử hình sự sơ thẩm đầu tháng 12/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk./.