Chân dung cháu gái của "ông chú làm ở Viettel"
H dùng chiêu có “ông chú làm ở Viettel” để tiếp tục “huy động vốn” của nhiều người muốn kinh doanh thẻ cào điện thoại cho tới tận lúc… mất tích.
Tuyệt chiêu của nữ “chúa chổm”
Theo anh Vũ Đức Long, người giao 4,7 tỷ đồng cho Trương Thị H để hợp tác mua thẻ cào điện thoại thì những ngày qua, số người tìm đến nhà anh Trịnh Đình Lâm (chồng của H) đã tăng đến mức chóng mặt.
Do tiếp khách không xuể nên gia đình anh Lâm hiện đã đóng cửa, từ chối gặp các chủ nợ với lý do: “Việc làm ăn là chuyện của H, gia đình không hề hay biết. Do đó, ai làm thì người đó chịu”. Chỉ tính riêng số người quen cùng thôn đã lên khoảng 40 người với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tại đây, các chủ nợ trao đổi với nhau thì mới vỡ lẽ ra các chiêu trò “huy động vốn” của Trương Thị H. Theo đó, lợi dụng sự quen thân với các bị hại là chủ đại lý bán hàng tạp hóa, ban đầu H thường mua mỳ tôm, nước ngọt, bánh kẹo… với số lượng cực lớn.
Số hàng này ngay lập tức được cô ta mang về bán lại cho hàng xóm, họ hàng với giá rẻ chỉ bằng 30-50% so với giá thị trường. Khi bán được tiền, H chỉ bỏ ra 1 phần nhỏ để trả cho chủ hàng, còn lại cô ta ghi nợ. Đồng thời H cũng gạ luôn những người mua hàng nếu muốn mua tiếp thì đưa tiền trước để cô ta đi “nhập hàng hộ”. Vì thấy H có nguồn hàng “xịn” với giá rẻ như cho nên rất nhiều người đã vay mượn và giao tiền cho H.
Cứ thế, H lại lấy tiền đó đi mua hàng rồi về trả nhỏ giọt cho từng người với số lượng rất ít. Khi có ai thắc mắc thì H nại ra lý do: “Cứ yên tâm, hiện đơn hàng quá nhiều nên nhà máy chưa cung ứng kịp”.
Nhiều người tập trung tại nhà H ở huyện Hoài Đức để đòi tiền
Đến khi số nợ mua hàng tạp hóa đã khá cao, H dùng chiêu có “ông chú làm ở Viettel” để tiếp tục “huy động vốn” của nhiều người muốn kinh doanh thẻ cào điện thoại cho tới tận lúc… mất tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, cô cháu gái của “ông chú làm ở Viettel” sinh năm 1988, quê quán ở phố Tô Hiến Thành, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Năm 2009, Trương Thị H đã từng bị Công an quận Đống Đa bắt vì tội trộm cắp tài sản.
Cụ thể là ngày 21-8-2009, H đã giả làm khách hàng muốn mua bảo hiểm và tìm đến Chi nhánh Công ty Bảo hiểm nhân thọ ACE Life ở 273 Kim Mã. Tại đây, lừa lúc mọi người sơ ý, H đã trộm cắp của 1 nhân viên số tiền 12 triệu đồng và 300USD. Đến ngày 31-8-2009, vẫn thủ đoạn cũ, H tiếp tục mò đến Chi nhánh Công ty Bảo hiểm nhân thọ ACE Life tại phố Hoàng Cầu trộm cắp được 6,5 triệu đồng và 700USD.
Ngày 1-10, giả vờ có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ với giá trị lên tới hàng tỷ đồng, H lừa 1 nhân viên của Công ty bảo hiểm Bảo Việt đến tư vấn để thừa cơ trộm cắp của nạn nhân chiếc ví bên trong có 1,2 triệu đồng cùng 1 sợi dây chuyền. Trong tất cả các vụ việc này, H đều tỏ ra là gia đình có điều kiện, nhưng thực ra lúc đó cô ta đang không có công ăn việc làm, phải thuê trọ sống vất vưởng tại Hà Nội.
Trương Thị H bị bắt tại Công an quận Đống Đa khi gây án vào năm 2009
Nỗi đau của người mẹ
Những ngày qua, ngôi nhà của bà Phạm Thị Hoa (mẹ đẻ Trương Thị H) ở thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) luôn trong tình trạng đóng im ỉm. Bà xấu hổ bởi hàng xóm cứ xầm xì bán tán sau khi có mấy vị khách từ Hà Nội về tận nhà tìm con gái để đòi nợ. Người ta xôn xao cũng phải vì ở quê nghe đến vài trăm triệu đã là to lắm, huống hồ con gái bà bị tố là lừa đảo đến cả chục tỷ đồng.
Bà Hoa bị bệnh tim, nhưng vẫn phải đi làm phụ hồ kiếm sống. Còn chồng bà, dù tuổi đã cao những ngày ngày vẫn phải còng lưng đạp xích lô ngoài bãi biển. Bà Hoa bảo, dù nhà nghèo, nhưng xưa nay bà chưa phải vay nợ của ai đến mức phải mang tiếng như thế này. Bây giờ nghe tin con gái lừa đảo của nhiều người rồi bỏ trốn, bà muốn quỵ ngã vì số tiền lớn quá.
Nhà của Trương Thị H tại Thanh Hóa
Theo bà Hoa, H là con thứ 2 trong gia đình. Năm 2009, H ra Hà Nội làm giúp việc, nhưng mới đi được vài tháng thì bà hay tin con gái gây ra hàng loạt vụ trộm cắp và bị công an bắt giữ. Sau 2 năm ngồi tù, H lập gia đình rồi theo về quê chồng ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Khi ấy bà cũng mừng vì nghĩ rằng con gái đã tu chí làm ăn. “Cuộc sống như vậy kể cũng coi như là ổn định. Ai ngờ bây giờ nó lại quay lại con đường phạm tội như thế” - bà Hoa nói trong nước mắt.
Bà Hoa đau khổ khi kể lại chuyện nhiều chủ nợ tìm về tận quê để đòi tiền
Khi thấy liên tiếp có người tìm về tận quê để tìm H, bà Hoa cũng đã về hỏi chồng, nhưng sự thực thì cả 2 ông bà cũng không biết H đang ở đâu. Nếu biết bà cũng sẽ khuyên con nên về gặp các chủ nợ. Và nếu như H lừa đảo thực sự thì bà cũng sẽ khuyên con nên ra đầu thú. Với nét mặt đầy cay đắng, bà Hoa nói: “Người ta bảo con tôi cầm của họ tiền tỷ để mua bán làm ăn. Tôi không biết nó buôn bán những gì, lờ lãi ra sao, nhưng cả 2 vợ chồng già chúng tôi chưa bao giờ được nó biếu một xu nào cả”.
Trong một động thái mới nhất, anh Vũ Đức Long chủ nợ lớn nhất của H cho biết: “Hai hôm nay, H liên tiếp gọi về cho từng chủ nợ và bảo họ đừng viết đơn. Thậm chí H còn dọa, nếu ai viết đơn tố cáo thì cô ta sẽ không trả tiền. Khi gọi điện cho tôi, H có nói rằng hiện đang có 8 tỷ tiền thẻ điện thoại và phải đến một nơi rất xa để “kích hoạt thẻ”. Khi nào xong việc và thu được tiền H sẽ mang về trả cho mọi người”./.
(*Tên bị hại đã được thay đổi)