Yêu cầu giáo viên mầm non không trông, giữ trẻ tại nhà, lãnh đạo phòng giáo dục nói gì?

VOV.VN - Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội), việc yêu cầu giáo viên mầm non không trông, giữ trẻ tại nhà nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trước khi quay trở lại trường. Đây là biện pháp quản lý đúng đắn, theo các quy định của pháp luật.

Như VOV.VN đã phản ánh, ngày 25/11 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Xuân (Hà Nội) có công văn yêu cầu giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập ký cam kết với chủ lớp; chủ nhóm lớp ký cam kết với UBND phường tuyệt đối không được tổ chức các hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhóm lớp tư thục, nhà riêng của giáo viên, nhân viên trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19.

Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cũng đề nghị UBND các phường phối hợp để tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các cơ sở dạy thêm, học thêm, trông giữ trẻ mầm non sai quy định. Từ đó, có biện pháp xử lý nghiêm với những hành vi không chấp hành nghiêm quy định.

Ngay sau khi công văn được gửi đến các trường, hàng loạt giáo viên mầm non tư thục và nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn quận Thanh Xuân đã lập tức xin nghỉ việc để tiếp tục công việc trông giữ trẻ tại nhà và không làm ảnh hưởng đến các chủ trường.

Sau 2 tuần được ban hành, đến nay, công văn trên vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều phụ huynh và giáo viên vẫn bức xúc với quy định không cho phép giáo viên trông trẻ tại nhà của Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV về vấn đề này, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho hay, đối với công tác phòng, chống dịch, tất cả các văn bản cho đến thời điểm này đều không cho phép các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm và trông giữ trẻ, phía UBND quận đã có văn bản chỉ đạo việc đó. Trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, có thể sẽ phát sinh một số việc sai với quy định. Do đó, Phòng GD&ĐT quận đã ký văn bản phối hợp với các phường để tăng cường các biện pháp và trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập phải quản lý giáo viên của mình. Đây là biện pháp quản lý bình thường và đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không cho phép dạy thêm, học thêm và trông giữ trẻ trong thời gian phòng, chống dịch.

Trước thực trạng, nhiều giáo viên mầm non tư thục xin nghỉ việc, điều này có thể gây nên hệ lụy thiếu giáo viên mầm non khi trường học được mở cửa trở lại, ông Phạm Gia Hữu chia sẻ, ông cũng trăn trở về vấn đề này. Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, những bức xúc của người dân, của giáo viên, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân sẽ tổng hợp lại và có kiến nghị đối với cấp trên.

“Sau khi trẻ trở lại trường, các cơ sở mầm non tư thục sẽ có những biện pháp riêng để duy trì hoạt động. Phòng GD&ĐT chỉ quản lý về chuyên môn. Các trường mầm non tư thục phải có biện pháp để giữ chân giáo viên; thường xuyên động viên, chia sẻ cùng các cô giáo; cần hỗ trợ một phần tiền lương để giáo viên bớt khó khăn, đóng bảo hiểm cho giáo viên để họ yên tâm tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến”, ông Hữu cho hay.

Khi được hỏi, trước tình hình dịch bệnh còn kéo dài, các trường mầm non chưa biết đến khi nào mới được mở cửa trở lại, đời sống giáo viên mầm non tư thục gặp rất nhiều khó khăn, tại sao các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội không có công văn chỉ đạo như vậy mà chỉ có quận Thanh Xuân mới có, ông Hữu giải thích: “Mỗi quận, mỗi người lãnh đạo đều tư duy theo một cách riêng nhưng phải “thượng tôn pháp luật”, không làm sai pháp luật và sẽ có những biện pháp riêng để quản lý tốt công việc trên địa bàn. Việc quản lý giáo dục là quản lý theo địa bàn, nếu phát hiện ra giáo viên nào thuộc biên chế của quận Thanh Xuân vi phạm các quy định có trong nội dung công văn thì sẽ phối hợp với địa bàn đó, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Trước những quy định đang gây tranh cãi của Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm, công văn quy định không cho phép giáo viên mầm non tư thục trông, giữ trẻ tại nhà là cứng nhắc, thay vì cấm đoán như vậy, nên có những quy định, quyết định về điều kiện giáo viên có thể trông, giữ trẻ tại nhà; Nên có lối mở để vừa tạo điều kiện về việc làm cho giáo viên, vừa đáp ứng được nhu cầu tìm người trông trẻ của nhiều phụ huynh. Trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay, làm được như vậy là tốt nhất.

“Không cho phép giáo viên mầm non tư thục trông trẻ tại nhà là không linh hoạt, mềm dẻo và không phù hợp với tình hình dịch bệnh. Nên có tiêu chuẩn đưa ra, nếu cá nhân nào, nơi nào đáp ứng được các tiêu chuẩn về phòng, chống dịch thì mới được phép trông, giữ trẻ tại nhà. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, vừa tạo công ăn, việc làm cho giáo viên trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch".

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa băn khoăn, trong khi các quận, huyện khác không có công văn tương tự mà tại sao quận Thanh Xuân lại siết chặt như vậy, đây là điều mà lãnh đạo quận Thanh Xuân cần nghiên cứu thêm. Chúng ta đang ở trong giai đoạn mới, thích ứng linh hoạt, cách phòng, chống dịch cũng có những thay đổi, do đó, lãnh đạo quận cần có sự điều chỉnh cho kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn và bối cảnh hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo viên mầm non tư thục ở Hà Nội xin nghỉ việc vì không được nhận trông trẻ tại nhà
Giáo viên mầm non tư thục ở Hà Nội xin nghỉ việc vì không được nhận trông trẻ tại nhà

VOV.VN - Trước yêu cầu giáo viên mầm non các trường tư thục không được trông, giữ trẻ tại nhà của phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội), hàng trăm giáo viên trên địa bàn đã đồng loạt làm đơn xin nghỉ việc.

Giáo viên mầm non tư thục ở Hà Nội xin nghỉ việc vì không được nhận trông trẻ tại nhà

Giáo viên mầm non tư thục ở Hà Nội xin nghỉ việc vì không được nhận trông trẻ tại nhà

VOV.VN - Trước yêu cầu giáo viên mầm non các trường tư thục không được trông, giữ trẻ tại nhà của phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội), hàng trăm giáo viên trên địa bàn đã đồng loạt làm đơn xin nghỉ việc.

Cô giáo mầm non tư thục chật vật kiếm sống trong dịch Covid-19
Cô giáo mầm non tư thục chật vật kiếm sống trong dịch Covid-19

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn tới ngành giáo dục, đặc biệt là hệ mầm non tư thục. Nhiều giáo viên phải tìm nghề khác để mưu sinh, duy trì cuộc sống.

Cô giáo mầm non tư thục chật vật kiếm sống trong dịch Covid-19

Cô giáo mầm non tư thục chật vật kiếm sống trong dịch Covid-19

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn tới ngành giáo dục, đặc biệt là hệ mầm non tư thục. Nhiều giáo viên phải tìm nghề khác để mưu sinh, duy trì cuộc sống.

Cô giáo mầm non tư thục chật vật xoay xở kiếm sống trong dịch Covid-19
Cô giáo mầm non tư thục chật vật xoay xở kiếm sống trong dịch Covid-19

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn tới ngành giáo dục, đặc biệt là hệ mầm non tư thục. Rất nhiều chủ trường lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều giáo viên phải tìm nghề khác để mưu sinh, duy trì cuộc sống.

Cô giáo mầm non tư thục chật vật xoay xở kiếm sống trong dịch Covid-19

Cô giáo mầm non tư thục chật vật xoay xở kiếm sống trong dịch Covid-19

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn tới ngành giáo dục, đặc biệt là hệ mầm non tư thục. Rất nhiều chủ trường lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều giáo viên phải tìm nghề khác để mưu sinh, duy trì cuộc sống.