Thí điểm đưa lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại Đức trong một số ngành nghề
VOV.VN - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay. Bộ LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện thí điểm Chương trình đưa lao động chất lượng cao đi làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Để đại mục tiêu đề ra, ngoài việc triển khai các giải pháp để tuyển chọn, thu hút đưa lao động đi làm việc ở các thị trường truyền thống,việc đưa lao động chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài cũng được Bộ chú trọng. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện thí điểm Chương trình đưa lao động chất lượng cao đi làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Hiện, Trung tâm lao động ngoài nước được Bộ LĐ-TB&XH giao thực hiện 5 Chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, gồm: Chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (hay còn gọi là chương trình EPS); Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (hay còn gọi là chương trình IM Japan); Chương trình đưa hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản (Chương trình hộ lý Nhật Bản); Chương trình tuyển mộ trực tiếp lao động đi làm việc tại Đài Loan - Trung Quốc (Chương trình Đài Loan) và Chương trình đưa lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại CHLB Đức (Chương trình Hand in Hand for International Talents) trong các ngành nghề: Công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn.
Trong đó, Chương trình trình đưa lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại CHLB Đức “Hand in Hand for International Talents” được Trung tâm Lao động ngoài nước cùng Cơ quan lao động Liên bang Đức ký kết vào tháng 11 năm ngoái, nhằm đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại CHLB Đức, giai đoạn 2022-2023.
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Chương trình nhằm thí điểm tuyển chọn đưa lao động Việt Nam đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên, có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong ngành đã được đào tạo gồm: Công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn sang làm việc tại CHLB Đức. Thông qua việc thực hiện thí điểm Chương trình, Việt Nam và Đức sẽ tiến hành đánh giá về phương án hợp tác, các thủ tục và xây dựng quy trình tuyển chọn, phái cử công bằng, minh bạch cho người lao động có tay nghề được nhập cảnh làm việc tại CHLB Đức, phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và Đức.
"Chương trình này được ký kết vào tháng 11/2022 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức sang thăm Việt Nam. Chúng tôi hiện đang phối hợp với Cục Việc làm Liên bang Đức và Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam phối hợp thông tin, triển khai tuyển chọn. Mục tiêu trong năm 2023, trước mắt sẽ đưa thí điểm 45 lao động sang Đức làm việc, với chế độ làm việc như người dân bản địa. Sau khi thực hiện thí điểm sẽ là tiền đề để Bộ LĐ-TB&XH tới đây sẽ ký một Thỏa thuận với Bộ Kinh tế Năng lượng Đức để chúng ta có thể tiếp tục đưa được lao động kỹ thuật cao, mà mở rộng ở các ngành nghề khác, chứ không chỉ giới hạn trong các ngành nghề như nhà hàng, khách sạn và lao động trong ngành công nghệ, thông tin viễn thông như Chương trình mà chúng ta ký kết"- bà Ngọc Lan nói.
Bà Phạm Ngọc Lan cũng khẳng định: Đây là Chương trình phi lợi nhuận, người lao động không phải nộp các khoản chi phí khi tham gia, được phía Đức đài thọ chi phí học tiếng Đức tại Việt Nam tới trình độ B1, lệ phí xin thị thực, hỗ trợ chi phí công nhận văn bằng bởi các Cơ quan có thẩm quyền tại CHLB Đức. Khi đủ điều kiện sang Đức, người lao động sẽ được bố trí việc làm theo ngành tuyển dụng với mức lương lên tới 3.500 Euro/tháng, được hưởng phúc lợi như người Đức tại cùng một vị trí làm việc và được làm việc lâu dài tại CHLB Đức.
"Quy định của chương trình này là lao động có tay nghề cao, như vậy lao động phải tốt nghiệp có bằng nghề và có kinh nghiệm làm việc từ 2 năm trở lên. Chúng tôi đưa ra điều kiện tuyển chọn như thế. Còn sau khi lao động đủ điều kiện về bằng cấp và kinh nghiệm thì sẽ được đưa vào đào tạo tiếng Đức tới trình độ A2 hoặc B1, tùy theo từng ngành nghề và kinh phí đào tạo tiếng Đức, cũng như hỗ trợ chi phí cho người lao động di chuyển, đi lại, ăn ở trong thời gian đào tạo tiếng Đức cũng do Cơ quan việc làm Liên bang Đức đài thọ các kinh phí này, để tạo điều kiện cho người lao động"- bà Lan nói./.