Cựu sếp ngân hàng chưa chịu nhận tội
VOV.VN -Bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 30 năm tù giam, cựu sếp ngân hàng đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Agribank diễn ra ngày 16/12, bị cáo Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, trú tại Hà Nội)– cựu Giám đốc Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà Lương không đồng ý với tội danh mà HĐXX cấp sơ thẩm đã quy kết.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Bích Lương cho rằng mình đã làm đúng chức trách nhiệm vụ, có chăng cái sai của cựu giám đốc ngân hàng ở đây chỉ là thiếu trách nhiệm.
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (giữa) tại tòa sơ thẩm. |
Tuy nhiên, theo nhận định của tòa án cấp sơ thẩm, trong quá trình cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam vay vốn tại Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội, với tư cách là giám đốc chi nhánh, bà Lương là người ký hồ sơ đề nghị HĐQT Agribank nâng quyền phán quyết cho vay, quyết định cho vay, ký các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, phê duyệt giải ngân các khoản tiền cho vay đối với Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.
Cựu giám đốc ngân hàng đã chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ nâng quyền phán quyết tín dụng cho vay nhưng không thẩm định dự án, năng lực tài chính của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.
Trước khi phê duyệt vay tiền cũng không thẩm định các điều kiện vay vốn mà chỉ dựa trên thông tin của doanh nghiệp cung cấp.
Bên cạnh đó, Phạm Thị Bích Lương còn chỉ đạo và trực tiếp tham gia giải ngân đối với Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, cố tình bỏ qua điều kiện giải ngân được HĐQT Agribank quy định.
Theo quy định của Agribank về đảm bảo tiền vay “Cho vay có đảm bảo bằng tài sản” nhưng Agribank – Chi nhánh Nam Hà Nội đã giải ngân hơn 50 triệu USD cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam vay để đầu tư mua 6 thương hiệu.
Công ty này dùng chính 6 thương hiệu đó làm tài sản đảm bảo nhưng đến khi khởi tố vụ án không có căn cứ chứng minh tài sản đảm bảo là 6 thương hiệu đã hình thành.
Một trong những tài sản thế chấp của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam để vay 90 triệu USD là quyền sử dụng hơn 128.000m2 đất của công ty này tại Ninh Bình.
Đây là mảnh đất được UBND tỉnh Ninh Bình cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam thuê. Theo quy định của pháp luật, quyền sử dụng đất này không được làm tài sản thế chấp.
Bản án sơ thẩm của Tòa án Hà Nội cũng cho biết, theo nghị quyết của HĐQT Agribank chỉ chấp nhận cho giải ngân 35 triệu USD để đầu tư thương hiệu nhưng cựu sếp Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội vẫn chỉ đạo thuộc cấp, nhân viên giải ngân 50 triệu USD.
Hành vi này được cấp tòa sơ thẩm xác định là cho vay quá giới hạn quy định, trái với nghị quyết của HĐQT Agriabank….
Theo bản án sơ thẩm, trong hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bị cáo Phạm Thị Bích Lương cùng thuộc cấp đã gây thiệt hại cho Agribank tổng số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bị cáo Lương được cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định là chủ mưu, cầm đầu.
Hành vi của cựu giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội được xác định lặp đi lặp lại nhiều lần.
Cơ quan tố tụng cũng xác định, với tư cách là giám đốc chi nhánh, bị cáo Lương đã chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ thủ tục cho Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty CP Vietmade của Lê Minh Hiếu – một bị cáo trong vụ án này, vay tổng số tiền 470 tỷ đồng để nhập khẩu nguyên liệu cho Công ty Enzo Việt (tên gọi trước đây của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam).
Số tiền giải ngân để mua nguyên liệu nhưng thực tế cơ quan tố tụng xác định không có nguyên liệu nhập về như trong nội dung ký kết giải ngân.
Hành vi của bị cáo Lương là làm trái công vụ gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Agribank. Cựu giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội được xác định là người giữ vai trò chính, là người tổ chức thực hiện.
Với hai tội danh bị quy kết, bị cáo Lương bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 30 năm tù giam.
Trong kháng cáo của mình, cựu giám đốc ngân hàng cho rằng, quy kết của tòa án cấp sơ thẩm là không đúng tội danh.
Trong phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra, ngoài xem xét kháng cáo của Phạm Thị Bích Lương, tòa án cấp phúc thẩm của Tòa án Cấp cao tại Hà Nội còn xem xét 17 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan của các bị cáo khác trong vụ án này./.
Xét xử phúc thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Agribank