Đại án Phạm Công Danh: Đã thu hồi 5.000 tỉ đồng
Thông tin do ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM trao đổi bên lề hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm.
Ông Vũ Quốc Doanh cho biết, trong đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng - VNCB), số tiền phải thi hành án là gần 12.000 tỉ đồng. Hiện nay, Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã thu hồi được hơn 5000 tỉ đồng (đạt 40%).
Thất thoát ngàn tỉ, thu hồi rất ít
Lãnh đạo Cục thi hành án dân sự TP.HCM cho biết số tài sản cơ quan điều tra đã kê biên trong vụ Phạm Công Danh tương đối nhiều, vì vậy vụ án này có thể thu hồi trên 95% tài sản.
Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Vũ Quốc Doanh - Ảnh: T.L |
Trước đó Tòa phúc thẩm đã tuyên buộc bà Hứa Thị Phấn phải nộp lại gần 900 tỉ đồng là vật chứng của hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP.HCM), số tiền Như phải thi hành án khoảng 4.000 tỉ đồng, tuy nhiên ông Doanh cho biết hiện nay mới chỉ thu hồi được con số rất ít.
Lý do vì vụ án đang chờ xét xử giai đoạn 2. Vì vậy Cơ quan điều tra Bộ Công an không chuyển cho Cục thi hành án dân sự TP.HCM bản chính các tài sản kê biên mà chỉ giao bản photo. Vì vậy việc thi hành án gặp nhiều khó khăn.
“Vướng mắc khi thi hành án các vụ đại án là tài sản nằm rải rác nhiều nơi trên khắp cả nước, vì vậy cần sự phối hợp toàn diện của nhiều cơ quan ở các tỉnh thành khác nhau. Tổng Cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã thành lập một tổ xử lý tài sản để thu hồi các tài sản bị phân tán. Cục trưởng Cục thi hành án địa phương nơi có tài sản phải nằm trong tổ này” - ông Vũ Quốc Doanh cho biết.
Khó thi hành án ngân hàng
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội cũng thừa nhận việc thu hồi tài sản cho các ngân hàng gặp phải rất nhiều khó khăn.
Hiện nay tại Hà Nội có tới 46 bản án của tòa án các cấp tuyên không rõ ràng. Tòa không phân định rõ nghĩa vụ các bên phải thi hành án. Vì vậy, cơ quan thi hành án không thể thi hành được mà phải có công văn trao đổi, yêu cầu giải thích bản án khiến thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài.
Có nhiều ngân hàng nhận thế chấp phương tiện máy móc. Các phương tiện này sau đó được đưa đi sản xuất cả trong, ngoài nước nên cơ quan thi hành án không xác minh được tài sản đó nằm ở đâu. Khi yêu cầu chủ tài sản đưa tài sản về để thi hành án thì họ không chấp hành. Khi tìm được tài sản thì giá trị còn rất thấp.
“Điển hình là vụ án ngân hàng Agribank Nam Nà Nội với số tiền phải thi hành án trên 2.500 tỉ đồng, trong khi giá trị tài sản đảm bảo rất thấp. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan tư pháp Trung ương sớm có văn bản phong tỏa tài sản của bị can, bị cáo trong quá trình điều tra truy tố xét xử. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng khi cho vay cần phải có đầy đủ hồ sơ. Tránh tình trạng cho vay số tiền lớn mà tài sản thế chấp không đảm bảo” - Lãnh đạo Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội kiến nghị./.
Vì sao Phạm Công Danh bị đề nghị truy tố trong đại án Oceanbank?