Trong 2 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ có 7 ngày không khí ở mức tốt
VOV.VN - Trong 2 tháng đầu năm 2020, chất lượng không khí cả nước có diễn biến xấu trong đó Hà Nội chỉ có 7 ngày không khí ở mức tốt.
Chất lượng không khí tiếp tục xấu, chủ yếu do bụi mịn PM2.5
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 2 tháng đầu năm 2020, tiếp tục có những diễn biến xấu về chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam, đặc biệt là tại TP. Hà Nội.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, bầu trời của Thủ đô Hà Nội nhiều ngày chìm trong sương mù. |
Theo số liệu kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục (tại Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa) do Tổng cục Môi trường quản lý; 10 trạm (tại Hà Nội) do Sở TN&MT Hà Nội quản lý; 1 trạm (tại Hà Nội) của Đại sứ quán Pháp và 2 trạm (tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) của Đại sứ quán Mỹ cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn đạt QCVN 05:2013/BTNMT.
Diễn biến giá trị TB 24 giờ thông số PM2.5 tại một số đô thị từ ngày 1/1 đến ngày 29/2/2020. |
Tại một số đô thị khu vực miền Bắc (Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long), giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất. Tại Hà Nội, trong tháng 1, giá trị quan trắc trung bình 24h các trạm có 9 ngày vượt quá giới hạn so với QCVN, riêng trong tháng 2 (từ ngày 1/2 đến ngày 24/2) đã có 14 ngày vượt QCVN.
Thành phố Việt Trì cũng có 6 ngày trong tháng 2 có giá trị PM2.5 trung bình 24h vượt giới hạn cho phép. Tại các thành phố ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 về cơ bản vẫn đạt QCVN. Tại TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận một số ngày có giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 vượt QCVN (ngày 6/1 và ngày 16/1).
Không khí ở Hà Nội chỉ có 7 ngày ở mức tốt trong 2 tháng đầu năm
Theo đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI của Bộ TN&MT cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 29/2 tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao. Tại Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), 9 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém.
Diễn biến chỉ số AQI ngày tại một số đô thị từ ngày 1/1 đến 29/2/2020. |
Tại các đô thị khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình. Tại TP. Hồ Chí Minh, số ngày có chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 30%, ở mức trung bình chiếm 64% và ở mức kém chiếm 6% (Biểu đồ 2).
Tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có một số thời gian giá trị trung bình 24h của thông số PM2.5 tăng lên rất cao (vượt từ 2 - 3 lần giới hạn cho phép của QCVN), ví dụ như các ngày 1/1, 13/1 đến ngày 14/1, ngày 2/2 và ngày 20-23/2. Sự thay đổi của các hoạt động sản xuất, sinh hoạt có tác động rất lớn tới chất lượng môi trường không khí.
Diễn biến giá trị TB 24 giờ thông số PM2.5 tại Hà Nội từ 1/1 đến 29/2/2020. |
Điều này thể hiện rõ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 29/1, chất lượng không khí của thủ đô được đánh giá ở mức tốt, giá trị trung bình 24h của thông số PM2.5 thấp hơn giới hạn so với QCVN nhiều lần. Đây là thời gian Tết Nguyên đán, lượng phương tiện tham gia giao thông rất ít, các hoạt động sản xuất, dịch vụ… cũng ít nên chất lượng không khí của thủ đô có sự cải thiện đáng kể (Biểu đồ 3).
Trong khoảng thời gian giữa tháng 2, từ ngày 14/2 đến ngày 21/2 kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 đến ngày 23/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24h của thông số PM2.5 ngày 21/2 vượt quá gần 3 lần so với giới hạn trong QCVN (Biểu đồ 4). Tuy nhiên trong thời gian cuối tháng 2, thông số PM2.5 ở mức khá thấp.
Giá trị TB 24h của thông số PM2.5 tại Hà Nội từ 16/2 đến 29/2/2020. |
Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm của Hà Nội từ ngày 1/1 đến ngày 29/2/2020 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100). Riêng ngày 21/2 là ngày có chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm) (Biểu đồ 5).
Đặc biệt, trong khoảng thời gian giữa tháng 2, kết quả tính toán AQI giờ của 3 ngày (từ ngày 20 - 23/2) có chỉ số AQI giờ ở mức rất xấu (>200) ở nhiều trạm. Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức nguy hại vào 2h sáng ngày 21/2. Từ ngày 24/2 đến cuối tháng 2, tình trạng sương mù đã giảm đi và chất lượng không khí cũng có sự cải thiện hơn (Biểu đồ 6).
Diễn biến chỉ số AQI ngày tại các trạm ở Hà Nội từ ngày 01/1 đến 29/2/2020. |
“Có thể nhận thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, môi trường không khí tại một số đô thị lớn ở nước ta vẫn tiếp tục bị ô nhiễm bởi thông số bụi mịn PM2.5, trong đó, thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục là đô thị có giá trị thông số bụi PM2.5 cao nhất. Hà Nội và một số đô thị khác ở miền Bắc nước ta vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 là cao nhất trong năm (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau). Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, do hoạt động giao thông giảm mạnh, các hoạt động công nghiệp, xây dựng cũng hầu như dừng, nên chất lượng không khí được đánh giá ở mức tốt. Trong khoảng thời gian giữa tháng 2 (từ ngày18-24/2), chất lượng không khí bị suy giảm mạnh, có những ngày được đánh giá ở mức rất xấu. Tuy nhiên đến cuối tháng 2 chất lượng không khí đã được cải thiện khá rõ. Trong tháng 3 và các tháng tới, theo quy luật hàng năm, chất lượng không khí có thể được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm”, văn bản nêu.
Trước đó, trong năm 2019, thống kê thành phố Hà Nội trải qua hàng loạt đợt ô nhiễm không khí kéo dài đạt ngưỡng gây nguy hại đến người dân.
Cụ thể, đợt ô nhiễm không khí đầu tiên trong tháng 1/2019, kéo dài từ 11 đến 26/1. Trong đó, ngày 25/1, trạm quan trắc tại đường Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu có giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 là trên 140 μg/m3, cao nhất trong 10 trạm đo của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội. Kết quả quan trắc này vượt gần 3 lần so với quy chuẩn Việt Nam là 50 μg/m3.
Đợt thứ hai, kéo dài từ ngày 11 đến 27/3 (17 ngày). Chỉ số trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 đạt đỉnh trên 140 μg/m3 tại trạm đo Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu trong hai ngày 13 và 14/3. Sau khi đạt đỉnh, chất lượng không khí ở Hà Nội duy trì ở mức thấp với chỉ số trung bình của bụi mịn PM 2.5 từ 80 đến 100 μg/m3 cho đến đầu tháng tư.
Diễn biến chỉ số AQI giờ từ ngày 16/2 đến 25/2. |
Đợt ô nhiễm không khí thứ 3 của Hà Nội diễn ra từ 12/9 đến 3/10 (18 ngày); chỉ số bụi PM 2.5 liên tục cao hơn 50 μg/m3, các trạm đo như Minh Khai, Hàng Đậu, Nguyễn Văn Cừ có chỉ số trên 80 μg/m3; ngày 29/9 chỉ số trung bình 24h bụi PM 2.5 lên tới 110 μg/m3. Ở đợt ô nhiễm không khí này, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết nồng độ bụi mịn tháng 9/2019 tăng mạnh so với các tháng trước đó và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015 đến 2018.
Đợt thứ tư, kéo dài từ ngày 5 đến 12/11, trong thời gian này, nồng độ trung bình 24 giờ của thông số PM 2.5 tại tất cả các trạm quan trắc đều vượt quy chuẩn; trong đó các trạm Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Mỹ có lúc gấp hơn 2 lần so với quy chuẩn Việt Nam.
Không khí ở Hà Nội chỉ có 7 ngày ở mức tốt trong 2 tháng đầu năm 2020. |
Cũng trong tháng 11, từ ngày 22 đến ngày 27/11 chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại hầu hết các trạm đo liên tục vượt qua Quy chuẩn Việt Nam. Trong đó, hai ngày 23/11 và 27/11 ghi nhận chỉ số PM 2.5 trung bình 24 giờ tại 6 trên 13 trạm quan trắc tiệm cận mức 100 μg/m3.
Đợt thứ 5, từ ngày 7 đến 16/12, chỉ số trung bình 24h của bụi PM 2.5 bắt đầu vượt quy chuẩn cho phép. Trong ba ngày từ 10 đến 12/12, chỉ số trung bình 24h của bụi mịn PM 2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam từ 2 đến 3 lần. Trong ngày 12/12, trạm đo Minh Khai (Bắc Từ Liêm) và trạm Đại sứ quán Mỹ có chỉ số là 160 μg/m3. Sáng ngày 12/12, có 8 trên 13 trạm đo cho chỉ số trên 140 μg/m3./.