Ô nhiễm không khí Hà Nội: Chủ tịch TP nói “đã làm bài bản, quyết liệt”
VOV.VN -Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ thành phố đã làm bài bản, quyết liệt,TP cần một thời gian dài, với các giải pháp đồng bộ
Chất lượng không khí xu hướng xấu đi
Tại cuộc họp các sở, ngành, quận huyện để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố chiều 18/12. Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, dữ liệu từ hệ thống 11 trạm quan trắc không khí do Sở TN-MT quản lý, vận hành, trong năm 2017, từ tháng 5 đến hết năm 2017, có 4.7% – 67.8% số ngày có chất lượng không khí đạt mức tốt, mức trung bình từ 32.2% – 71.1% và 12.1% – 37.4% mức kém.
Hồ Hoàn Kiếm trong một buổi sáng có chỉ số chất lượng không khí xấu. |
Năm 2018, số ngày chất lượng không khí đạt mức tốt dao động từ 0.8 – 26%, mức trung bình từ 64 – 90.9% và 2.2% – 23% mức kém.
Từ 1/1/2019 đến 15/12/2019, số ngày chất lượng không khí đạt mức tốt dao động từ 0.8% – 19.7%, mức trung bình từ 53.3 %– 71.1%, mức kém từ 16.4% – 37.8%, mức xấu từ 0.8 %– 3.9%, mức rất xấu từ 0.3% – 0.6%.
Lãnh Sở TN-MT Hà đánh giá “Số ngày chất lượng không khí tốt đang có xu hướng giảm qua các năm 2017 – 2019, số ngày chất lượng không khí chạm mức kém, xấu, rất xấu có xu hướng tăng. Ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao nhất từ 5h đến 12h sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm”
Theo ông Định, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài trung bình từ 5 – 10 ngày, chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12, từ ngày 8/12 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.
Cụ thể, tháng 1, từ ngày 22/1 đến 28/1 mức AQI cao nhất là 226; từ ngày 11/3 đến 16/3, AQI cao nhất là 213; từ ngày 23/9 đến 2/10 mức AQI là 209. Tháng 11 có hai đợt, từ 5/11 đến 13/11 AQI cao nhất 226, từ 20/11 đến 27/11 mức AQI cao nhất 187. Từ 8/12 đến 14/12, mức AQI cao nhất là 266.
Ô nhiễm không khí do đâu?
Theo Sở TN-MT Hà Nội, ô nhiễm không khí ở Hà Nội về chủ quan có 12 nguyên nhân, khí thải phương tiện giao thông mật độ cao, vận chuyển vật liệu xây dựng, trại chăn nuôi, thu gom, vận chuyển rác thải; nạo vét bùn.
Phá dỡ công trình GPMB trên đường Đại La, quận Hai Bà Trưng che chắn tạm bợ. |
Theo báo cáo của các sở ngành chức năng, hiện nay quét hút bụi bằng xe cơ giới trên các tuyến đường, vận hành không đúng quy định, xe đi quá tốc độ, không phun nước trước khi hút. Cùng với đó, Hà Nội đang có hàng nghìn công trình xây dựng lớn, nhỏ, việc vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải... chưa được lái xe che chắn, gây bụi, làm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là ô nhiễm từ các làng nghề ở ở Thường Tín, hay đốt rác thải từ các làng nghề ở Bắc Ninh gây ảnh hưởng đến các xã Vân Hà, Thụy Vân huyện Đông Anh rất cần có sự phối hợp xử lý.
Đồng quan điểm trên, đánh giá về thực trạng ô nhiễm không khí Hà Nội, Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cũng cho rằng ô nhiễm không khí, về chủ quan là do xây dựng các đại công trình, nhà ở dịp cuối năm; cải tạo chỉnh trang vỉa hè, chuyên chở vật liệu xây dựng; chủ đầu tư không làm hết che chắn, đảm bảo yếu tố về môi trường. Việc cải tạo vỉa hè, đường thổi bụi trước khi thảm nhựa, trong khi quy định là phải hút.
Bên cạnh đó là từ phương tiện giao thông gia tăng, từ đầu quý 4/2019 đến nay, số xe đăng ký mới là 84.000 phương tiện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên trên 6,8 triệu phương tiện, chưa kể các phương tiện của công an, quân đội và phương tiện từ tỉnh khác về.Việc gia tăng phương tiện đăng ký mới cũng là nguyên nhân gia tăng gây khói bụi.
Vấn đề môi trường cần thời gian, giải pháp bền vững
Sở TN- MT Hà Nội cũng đề xuất nhiều giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó đề xuất Bộ TN-MT kiểm soát các tác động ô nhiễm không khí xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất công nghiệp phát sinh khí thải; Bộ GT-VT sớm ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; đặc biệt các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các khu, cụm công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm môi trường….
Bụi cắt đá lát vỉa hè không che chắn. |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TN-MT, việc bảo vệ ô nhiễm môi trường nếu người dân không tham gia là khó thành công. Tuyên truyền vận động người dân trong đốt than tổ ong, rác thải, vệ sinh môi trường; làm bài bản chắc chắn, không đốt cháy giai đoạn được, chúng ta tất cả mới chỉ bước đầu.
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đang trong thời kỳ phát triển “nóng”, tác động không nhỏ đến môi trường. Do mật độ dân cư cao nên giải pháp tháo gỡ không đơn giản. Chất lượng không khí Hà Nội xấu trong những ngày gần đây thì cần có giải pháp cả trước mặt và căn cơ lâu dài.
Phát biểu tại hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ thành phố đã làm bài bản, quyết liệt. Quan điểm, thành phố cần một thời gian dài, với các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa quận huyện và sở ngành chưa đồng bộ, chưa trách nhiệm, không quan tâm công tác này. Các địa bàn giáp ranh, liên tục kiểm tra nhưng đâu lại vào đấy. Việc phá dỡ công trình phải có giấy phép nhưng không biết họ đổ phế liệu đi đâu. Tình trạng lấn sông Hồng bằng phế liệu, xe chở phế liệu đi bụi mù, không xử lý. Xe chuyên dùng mới được chở vật liệu như cát, bùn, cây xăng phải có hệ thống rửa xe tự động nhưng chưa ai làm, chưa làm đúng quy định thì đóng cửa…
Lãnh đạo Thành phố yêu cầu: Thu gom rác phải sạch đường, phải có bộ phận đi nhặt rác trên giải phân cách, vào được các ngõ nhỏ. Cải tiến các đầu phun của xe rửa đường; Tiếp tục xử lý ô nhiễm tại các ao hồ, nạo hút bùn.
4 quận nội thành phải vận động các cơ sở kinh doanh chuyển sang năng lượng khác, không dùng than tổ ong.
Lãnh đạo Công an thành phố chủ trì cùng thanh tra giao thông xử lý thật nặng xe không che chắn chở vật liệu xây dựng. Kiểm soát ô nhiễm, thu hồi xe quá hạn sử dụng; cải tạo sữa chữa thi công làm đâu gọn đến đó. Trải Áp phan lại đường cần tăng cường kiểm tra, không thể thổi như vưa qua. Xây dựng nghị quyết các chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.
“Thành phố sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với một số công ty, không đủ cơ giới hóa, không có hợp đồng lao động”, ông Chung nói. Trước mắt, Sở TN-MT chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50-70 trạm quan trắc, cảm biến hoàn thiện trong quý I/2020; Phối hợp với Sở Y tế, xây dựng quy chế thông báo, cảnh báo cho người dân mức độ ô nhiễm./. Ô nhiễm không khí, các quận huyện ở Hà Nội đề nghị rửa đường sau 3 năm