Nỗi đau của người mẹ có 3 con trai cùng lãnh án giết người
Từ khi ba đứa con cùng lãnh án giết người, không đêm nào bà Hiệp không khóc.
Căn phòng của bà Hiệp ở cuối xóm trọ. Trận mưa chiều làm con hẻm trơn trượt, đầy những vũng nước đọng, lối vào tối thui và ẩm ướt.
Dưới ánh điện nhờ nhờ, người đàn bà lam lũ đưa tay quệt ngang những giọt nước mắt đang thi nhau lăn dài trên má. Cái khổ, cái đói làm tấm lưng bà trông khòm hơn độ tuổi vốn có.
“Tôi nghèo, không biết chữ nhưng mấy đứa con tôi đều được dạy dỗ từng lời ăn tiếng nói, xóm giềng không ai la mắng than phiền. Tôi vẫn dạy con “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, rằng có thèm thứ gì cũng nói để mẹ xin cho chứ không được ăn cắp ăn trộm.
Mấy đứa con tôi tuy nghèo nhưng đứa nào cũng hiếu thảo. Thấy mẹ cắt lúa mướn nó cũng ra cắt, nhìn đôi bàn tay non nớt túa máu, lòng tôi thắt lại. Lớn lên có gia đình, làm lụng vất vả nhưng chúng vẫn cố gắng chắt chiu cho mẹ vài trăm nghìn đồng mua thuốc.
Bà Hiệp vẫn chờ ngày trở về của các con - Ảnh: Tuyết Mai |
Căn nhà lợp bằng lá, mưa dột ướt đủ đường, gió thốc vào lạnh buốt, mấy mẹ con tụm lại với nhau, vậy mà tôi đã nuôi chúng nó mười mấy năm trời. Chuyện xảy ra như ngày hôm nay tôi đau lòng quá!”. Kể đến đây, người mẹ không kìm nổi nước mắt, khóc nấc lên.
Chỉ vì say rượu
Ngày 9/6/2015, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử lưu động sơ thẩm vụ án giết người. Không khó để nhận ra những đường nét thanh tú giống nhau trên gương mặt của ba bị cáo trong vụ án. Họ là ba anh em ruột.
Từ năm mười mấy tuổi, anh em họ đã dắt díu nhau lên thành phố bươn chải mưu sinh để đỡ đần mẹ. Thế mà trong một lần say rượu không kiềm chế được bản thân, ba anh em họ đã gây ra chuyện tày đình.
Hôm ấy là một buổi trưa tháng 6, sau cuộc nhậu đã chếnh choáng, Phong loạng choạng đến công ty tìm vợ lấy giấy tờ.
Xót anh, Nhựt Anh chạy đến can ngăn nhưng cũng bị đánh vạ, liền cùng Phong chống trả. Ở nhà không yên tâm, Ly cũng chạy đến đưa anh về thì thấy anh và em trai mình đang bị đánh.
Lúc đó, anh Luân (bị hại) đang bước qua đường, tưởng Luân có ý định gây sự với anh mình, Ly ra tay với Luân làm Luân té ngã bất tỉnh. Tiếp đó, Phong và Nhựt Anh đá bồi vào chân, bụng, hàm, cổ... Luân cho bõ tức.
Kết quả Luân chết vì chấn thương sọ não, ba anh em Phong bị truy tố về tội giết người.
“Bị cáo không nghĩ mình bị truy tố tội giết người mà nghĩ phạm tội cố ý gây thương tích” - ba anh em Phong giải thích trước tòa. Tuy nhiên, với những chứng cứ và lời khai của bị cáo lẫn người làm chứng, các bị cáo không thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Trái với các em, bị cáo Phong lặng lẽ nhận tội. Có lẽ trong thâm tâm người đàn ông ấy, nỗi mặc cảm vì đã làm liên lụy đến các em còn lớn hơn mức án tù mà anh ta sắp phải nhận.
Vị đại diện Viện KSND chú mục vào Phong nghiêm khắc: “Bị cáo ăn nhậu rồi gây gổ đánh nhau, không những bị cáo chịu phạt mà còn kéo theo hai người em của bị cáo ra tòa.
Bị cáo Nhựt Anh tham gia đánh nhau gây ra cái chết cho bị hại, bị cáo Ly khi chưa biết Luân sang để làm gì đã đấm vào mặt bị hại... là những hành động côn đồ...
Chưa nói đến việc nạn nhân sai hay đúng, nhưng cái chết của anh Luân là do lỗi của ba bị cáo gây nên, trong đó bị cáo là nguyên nhân chính. Nếu như bị cáo qua gặp vợ lấy chứng minh rồi về thì có lẽ hôm nay ba anh em đã không phải đứng trước vành móng ngựa”.
Phiên tòa có ba bị cáo là anh em, một gia đình có ba người đi tù... Bằng đó thông tin đã làm những người đến dự khán không khỏi chua xót. Càng cám cảnh hơn khi gia đình các bị cáo cũng chẳng khá khẩm gì.
Trong ba anh em, Ly là người khá nhất. Từ ngày bị bắt, vợ anh chạy vạy nhờ cậy họ hàng mới lo đủ số tiền 65 triệu đồng bồi thường cho gia đình bị hại.
Chị Hạnh, vợ bị cáo Nhựt Anh, vay ngược vay xuôi mới đủ 5 triệu đồng bồi thường cho “người ta” để chồng nhẹ tội. Khi tòa hỏi đến, chị vội vàng thanh minh: “Nhà con nghèo quá, không có hơn, chỉ vay được bấy nhiêu”.
Riêng bị cáo Phong không bồi thường được đồng nào. Khi Phong bị bắt, vợ anh đã mang con gửi ngoại rồi bỏ nhà đi, chỉ còn trông cậy vào mẹ nhưng bà Hiệp (mẹ anh) lại quá nghèo.
Nước mắt chảy xuôi
Từ khi ba đứa con vướng phải vòng lao lý, không đêm nào bà Hiệp không khóc. Không ngày nào bà không đi chạy vạy van xin người ta cứu lấy con bà. Ở đâu mách có người chứng kiến, bà lại tất tưởi chạy đến mong nhờ người ta góp một câu giảm án cho các con.
Sức khỏe bà cũng giảm dần theo nước mắt. Thế nhưng người mẹ ấy vẫn cố gắng nhặt nhạnh từng đồng bạc để lo cho con. Một năm nay, bà mang theo con út bỏ quê lặn lội lên thành phố làm phụ hồ.
“Thấy tôi già yếu, người ta thương tình cho làm nhưng cũng không làm được bao nhiêu, mang nặng mấy bữa lại bệnh, lại thuốc, lại phải nghỉ. Nhưng không làm thì lấy tiền đâu vào thăm con, nên 2-3 tháng mới vào thăm chúng nó được một lần”.
Con út của bà năm nay lên 14 tuổi cũng đỡ đần mẹ bằng cách xin đi làm ở công ty, “chưa đủ tuổi lao động, nì nèo mãi người ta mới nhận”.
Ở một góc phòng trọ là chiếc bao tải dùng để đựng chai lọ mủ, “trên đường thấy cái chai, cái lọ nào người ta vứt đi thì tôi lượm về cất vào đó, được nhiều nhiều thì đem đi bán - bà Hiệp nói - Mấy người xung quanh thấy tôi hoàn cảnh quá, người cho ký gạo, chai nước mắm sống qua ngày.
Tới ngày vào thăm con thấy chúng nó mà xót xa, chúng nó cứ nhắn nhủ tôi cố gắng sống đến ngày nó ra. Con chỉ có mình má, má đi rồi thì con sống với ai. Cứ nhớ tới mấy đứa con, tôi lại cố gắng sống tiếp”.
Rồi bà lại kể về những ngày trèo cây dừa mướn để kiếm “lít” (kg) gạo, húp nước cháo, dành phần cái nuôi con. Nhưng thương thay, người mẹ khốn khổ ấy không nhụt chí vì tình cảnh khốn khó của mình, bà chỉ băn khoăn: “Không biết tôi có còn sống được đến ngày chúng nó ra tù hay không!?”./.