Khoảng lặng buồn ở xóm chạy thận giữa lòng Thủ đô trong những ngày Tết
VOV.VN - Từ ngày chị Hà Thị Thùy bị bệnh suy thận phải lọc máu, anh Nguyễn Văn Tú, chồng chị, cũng theo vợ xuống Hà Nội để chăm sóc. Năm nay anh chị không về quê ăn Tết. Xa nhà, xa con gái nhỏ, vợ chồng anh chị cũng chỉ biết an ủi nhau cùng cố gắng.
Lần đầu ăn Tết ở xóm chạy thận Hà Nội
Trong căn nhà trọ khoảng 10m2 ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tú và chị Hà Thị Thùy (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái) bóc chiếc bánh chưng vừa được đoàn từ thiện cho để rán ăn bữa trưa. Bữa cơm ngày Tết của đôi vợ chồng trẻ chỉ đơn giản vậy thôi. Đây là năm đầu tiên anh chị ăn Tết xa quê, xa con nhỏ, xa gia đình.
Anh chị chia sẻ, đến ở xóm chạy thận mới thấy, mọi người ở đây hầu hết đều ở lại Tết vì bệnh nhân chạy thận là người sống nhờ máy. Đa phần hoàn cảnh ai cũng khó khăn, quê lại ở xa nên tất cả chỉ biết động viên nhau mong bệnh tật được tiến triển tốt.
Anh Tú và chị Thùy kết hôn năm 2018. Sau khi đứa con gái nhỏ chào đời cũng là lúc chị Thùy mắc bệnh suy thận. Trước đó, chị Thùy cũng đã mắc viêm thận lupus suốt 8 năm. Một năm nay bệnh của chị trở nặng phải lên Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận 3 lần/tuần. Nhiều lúc mệt mỏi chị Thùy muốn buông xuôi nhưng với sự động viên của chồng, thương con, chị lại cố gắng.
“Mỗi lần đi chạy thận, tôi sợ lắm, nhiều lần phải trốn vì quá sợ. Cứ nhìn kim chọc vào người, tôi hỏi bác sỹ có đau không. Bác sỹ nói rằng kim to như thế này chọc vào da sao mà không đau cho được, bây giờ mình như thế này thì phải cố gắng. Lần nào đi chạy thận, nước mắt tôi cũng ứa ra, cho đến giờ vẫn còn rất sợ nhưng có chồng động viên, thương chồng vì mình quá nhiều nên phải cố gắng”, chị Thùy tâm sự.
Chăm vợ lúc ốm đau, anh Nguyễn Văn Tú vẫn cố gắng dành thời gian chạy xe ôm công nghệ, ship đồ kiếm thêm thu nhập. Những ngày Tết này, người dân về quê, anh cũng có dịp nghỉ ngơi và đều đặn chở vợ vào viện.
“Chúng tôi cũng muốn về quê lắm, thế nhưng căn bệnh oái ăm này chẳng thể về được, không kịp chạy thận là biết ngay. Chưa kể đường về quê xa xôi, về được 1 hôm, lại chẳng thể có xe xuống Hà Nội trong dịp nghỉ lễ như thế này”, anh Tú chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên vợ chồng chị Thùy ăn Tết xa nhà. Cô con gái nhỏ 3 tuổi sống cùng ông bà nội luôn là nỗi đau đáu của hai vợ chồng. Ước mong được chăm con, bên con, đồng hành cùng con khôn lớn giờ trở nên xa xỉ với đôi vợ chồng trẻ.
“Tôi muốn được bên con, chăm con. Tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ lắm. Ở đây chạy thận chẳng biết lúc nào mới được về quê. Với những người bình thường, họ được về nhà dịp Tết, được vui vầy bên gia đình. Giờ đây bố mẹ ở nhà cứ mong con như chính mình mong con mình vậy. Nghĩ đến đấy là tôi lại thấy tủi rồi”, chị Thùy buồn bã.
Cũng như những người bệnh trong cùng xóm chạy thận, Tết năm nay, vợ chồng chị Thùy cũng chẳng bày biện được gì. Những chiếc bánh chưng, gói gia vị hay chai nước mắm… đều là quà của các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương sở tại hỗ trợ gia đình có một cái Tết ấm cúng ở Hà Nội.
Ngày Tết cũng là ngày bình thường với bệnh nhân chạy thận
Phát hiện bị viêm thận lupus năm 21 tuổi, Vũ Thị An Khanh, sinh năm 1998, người Hà Nội chẳng biết bấu víu vào ai khi bố đang điều trị ở bệnh viện tâm thần, mẹ mất sớm. An Khanh sống với bà nội từ bé. Sau khi bà mất được 1 tháng, Khanh không còn nơi để nương tựa. Căn nhà trọ nhỏ ở xóm chạy thận này là chỗ duy nhất đi về của Khanh.
Trong căn trọ nhỏ chẳng có lấy một món đồ giá trị, An Khanh đang nằm trên chiếc nệm mỏng kê trực tiếp dưới sàn nhà. Em mệt, thở không ra hơi vì vừa mới đi chạy thận về.
“Có lúc em tủi thân lắm, nhưng dần dần thành quen. Mong muốn duy nhất của em là bệnh sẽ đỡ dần, mình có sức khỏe để có thể tự lo cho bản thân”, An Khanh mệt mỏi nói.
Cùng ở xóm trọ chạy thận, anh Lê Chân Sơn (Thanh Hóa) đã có 3 năm ăn Tết xa quê. Tết của những bệnh nhân ở đây chẳng có gì đặc biệt. Lúc nào cũng loanh quanh ở viện, sau đó lại về thổi cơm, nghỉ ngơi, trò chuyện với mọi người xung quanh cho vơi đi nỗi nhớ nhà.
“Mỗi phòng trọ ở đây hầu hết đều có 2 người. Phòng thì có gia đình lên chăm, phòng thì 2 bệnh nhân ở cùng nhau. Người khỏe hơn một chút giúp người ốm yếu hơn. Cùng hoàn cảnh, nên mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Lại một năm mới đến, chúng tôi ở đây cũng chỉ hy vọng có sức khỏe để mình có thể lo cho mình, và giúp đỡ được người bên cạnh”, anh Chân Sơn chia sẻ.
Theo anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận, cả xóm có 121 người đang chạy thận 1 tuần 3 lần ở Bệnh viện Bạch Mai hoặc các bệnh viện khác ở Hà Nội. Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên Tết 2023 người nào có quê gần thì tranh thủ sắp xếp thời gian về quê thăm gia đình 1-2 hôm, rồi lại quay lại Hà Nội để điều trị. Người nào ở xa thì ở lại đón Tết.
“Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết đến Xuân về, quận Hai Bà Trưng, phường Đồng Tâm cũng như các nhà hảo tâm thường tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Những món quà nhỏ bé nhưng góp phần động viên mỗi người, mỗi gia đình an tâm điều trị và đón Tết an lành, ấm áp ở Hà Nội. Dù xa quê, nhưng cũng thấy hạnh phúc, an lòng”, anh Tuấn chia sẻ./.