Vụ án chồng “giết” vợ đang mang thai: Chưa làm rõ sự thật?
VOV.VN - Để làm rõ đúng bản chất của vụ án chồng "giết" vợ đang mang thai 8 tháng, cần phải làm rõ: Hung khi gây án, lời khai của bị cáo, nhân chứng...
TAND Cấp cao tại Hà Nội chuẩn bị xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án Chu Đình Tuân (34 tuổi - cựu giáo viên trường trung cấp nghề Giao thông vận tải Thanh Hóa) trong quá trình mâu thuẫn gia đình đã khiến vợ đang mang thai là chị Nguyễn Thị Hoài Nga (28 tuổi) tử vong. Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Tuân tù Chung thân về tội Giết người.
Bị cáo Tuân tại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa này, Tuân phản cung. |
Theo bản án sơ thẩm số 47/2014/HSST, kể từ khi Tuân và chị Nga kết hôn từ năm 2011, cả hai sống chung với ở nhà ông Chu Đình Lịch – bố Tuân. Đến tháng 5/2013, chị Nga đang có thai tháng thứ 8.
Sáng 31/5/2013, sau khi vợ chồng đi ăn sáng, chị Nga đi chợ, còn Tuân lại đi uống bia với một học viên đang học lái xe do Tuân là giáo viên hướng dẫn. Đến 11h45’ cùng ngày, Tuân mới về nhà. Vì việc Tuân uống bia về muộn, nên khi vào nhà phụ giúp vợ dọn cơm, giữa hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.
Lúc này Tuân quát vợ: “Mi có im đi không”, thì chị Nga vào nhà tắm ở gần cầu thang tầng 2 chốt cửa lại và tiếp tục chửi vọng ra.
Nghe tiếng vợ chồng Tuân cãi nhau, ông Chu Đình Lịch từ tầng 1 lên mắng: “Hai đứa bay có im đi không, ra ngoài mà cãi nhau”.
Sau đó, người nhà nghe tiếng động mạnh và ông Lịch, anh Tuấn, chị Thủy cùng cháu Linh chạy lên tầng 2 mở cửa nhà tắm thấy chị Nga nằm ở nền nhà tắm, máu ở khu vực hõm nách đang chảy nên lấy vải bịt vết thương, sơ cứu cho chị Nga khoảng vài phút.
Ngay sau đó, anh Tuấn chạy xuống tầng 1, gọi taxi cùng Tuân đưa chị Nga lên xe đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Khi đến bệnh viện là khoảng 12h30’ thì Nga tử vong.
Tại phiên tòa diễn ra vào đầu tháng 6/2014, Tuân cho rằng mình bị ép cung và cho rằng mình không giết vợ.
Đâu là lời khai thật?
Luật sư Hoàng Minh Hiển – Văn phòng luật sư Bắc Hà – Đoàn luật sư Hà Nội - người bào chữa cho bị cáo Chu Đình Tuân ở giai đoạn phúc thẩm cho rằng, trong vụ án này, cần làm rõ rất nhiều vấn đề để tìm ra chân lý của sự thật.
Dựng lại hiện trường vụ án. |
Đầu tiên, trên phương diện khoa học hình sự, để quy kết một người phạm tội giết người hay không phải căn cứ nhiều yếu tố như: Động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện, thực tế xảy ra.
Trong vụ án này, TAND tỉnh Thanh Hóa mặc dù tuyên bị cáo tù Chung thân về tội Giết người nhưng chưa làm rõ động cơ của Tuân giết vợ đang mang thai đứa con trai của mình ở tháng thứ 8 với mục đích gì?
Đặc biệt trong quá trình điều tra, bị cáo Tuân đã 4 lần không thống nhất lời khai: Ban đầu Tuân khai do vợ chồng cãi nhau, chị Nga đứng ở trong nhà vệ sinh giật mạnh cửa làm kính vỡ và bay vào người.
Sau đó Tuân lại khai, do bị vợ xúc phạm và chửi mắng thậm tệ nên đã tức giận dùng tay trái đấm mạnh vào tấm kính làm vỡ tấm kính vỡ bay vào người chị Nga.
Lời khai của Tuân lại thay đổi khi anh ta cho biết, dùng tay trái đấm mạnh cửa làm vỡ kính nhà vệ sinh ở khung nhôm rồi giật luôn một mảnh kính vỡ đang gắn trên khung nhôm và đâm mạnh 1 nhát trúng vào phần ngực trái gần hõm nách của chị Nga.
Sau đó, Tuân lại khai dùng tay trái đấm mạnh cửa làm vỡ kính nhà vệ sinh rồi tiện thể ấn mạnh vào hõm nách trái của chị Nga.
Tại Trại giam T16 Bộ Công an, bị cáo nhận tội, còn ở Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa, bị cáo không nhận tội.
Theo luật sư Hoàng Minh Hiển, tòa án cấp sơ thẩm đã không khách quan. Khi kết án, HĐXX căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo Tuân, bác toàn bộ các lời khai không nhận tội của bị cáo tại các biên bản hỏi cung, bản tự khai, bản tự vẽ, biên bản xem xét dấu vết trên cơ thể của bị can.
“Mặt khác, các lời khai nhận tội của bị cáo từ bút lục số 169 đến bút lục số 179 đều được thu thập khi bị cáo bị tạm giam ở Trại giam T16 Bộ Công an – nơi mà bị cáo trong đơn kháng cáo cho rằng bị ép cung phải nhận tội”, ông Hiển cho biết.
Nhân chứng trong vụ án này chủ yếu là các thành viên trong cùng một gia đình và là nhân chứng gián tiếp.
Theo như bản án sơ thẩm đánh giá có một điểm thống nhất là “…Khi nghe tiếng động mạnh ở phòng tắm tầng 2, đều đến phòng tắm thấy Tuân ở bên ngoài phòng tắm, cửa phòng tắm bị vỡ chị Nga nằm sấp trên nền nhà tắm”. Điều này cho thấy sự việc dường như xảy ra nhanh và đồng thời cùng một lúc.
Một nhân chứng rất khách quan đó là người hàng xóm sinh sống sát vách nhà bị hại, đó là bà Liễu.
Người đàn bà này nghe thấy tiếng động “xoảng” rất lớn và tiếng hét của người phụ nữ gần như đồng thời. “Vậy thời gian nào để bị cáo thực hiện hành vi dùng mảnh kính đâm vợ như lời khai tại trại tạm giam T16?”, luật sư Hiển phân tích.
Bàn tay của nghi phạm sau khi gây án. |
Chưa xác định rõ hung khi gây án
Theo hồ sơ giám định, trên cơ thể nạn nhân có tới 6 vết xây xước và vết thương thì 5 vết đó có chiều từ trên xuống dưới. Trong đó có 1 vết thương không rõ hình có kích thước 6cm x2,3cm, và sâu 18cm. Đây là vết thương được xác định là do Tuân gây ra.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, với miếng kính mà cơ quan điều tra thu giữ được có chiều rộng là 0,5cm liệu có tạo ra vết thương có chiều rộng là 2,3cm được không?
Ngoài ra, kết quả thực nghiệm cho thấy bị cáo cầm hung khí khi thực hiện động tác thì một phần của miếng kính đã nằm lọt trong lòng bàn tay tối thiểu là dài 8-9cm. Phần còn lại của miếng kính chỉ có 13-14cm trong khi đó chiều dài vết thương là 18cm.
Bên cạnh đó, để tạo nên một vết thương có chiều sâu 18cm thì cần một lực đâm cực mạnh. “Vậy vì sao trên tay của bị cáo Huân không để lại bất cứ vết cắt nào?”, ông Hiển đặt vấn đề.
Bản án áp dụng luật rất cẩu thả
Biên bản phiên tòa sơ thẩm còn có nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Ông Nguyễn Đức Lương – bố đẻ của chị Nga không có mặt và ủy quyền cho ông Phạm Văn Thư – bác ruột của bị hại dự phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp cho bị hại. Tuy nhiên, trong biên bản lại có phần xét hỏi ông Nguyễn Đức Lương.
Cũng tại bản án này, việc áp dụng pháp luật của tòa sơ thẩm một lần nữa khó hiểu là: Áp dụng khoản 2, điều 610 – Bộ luật hình sự để buộc bị cáo Chu Đình Tuân bồi thường, bù đắp tổn thất về tinh thần cho ông Nguyễn Đức Lương và bà Đỗ Thị Loan (là bố, mẹ của bị hại) số tiền là 69 triệu đồng.
Lĩnh án chung thân vì giết vợ mang bầu 8 tháng
Bộ luật Hình sự chỉ có tổng thể 344 điều luật. Về quy định bồi thường dân sự trong bản án hình sự, cơ quan tố tụng cần phải áp dụng Bộ luật Dân sự.
Theo luật sư Hiển, cần hủy bản án sơ thẩm để làm rõ: Động cơ, mục đích phạm tội của Chu Đình Tuân, xác định hung khí gây nên vết thương trên cơ thể của chị Nguyễn Thị Hoài Nga…. Có như vậy mới đảm bảo tinh thần, nguyên tắc về cải cách tư pháp và làm rõ bản chất vụ án, xác định sự thật khách quan, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Dự kiến, phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án này sẽ diễn ra vào ngày 24/8 tới./.