Diễn đàn kinh tế Thế giới Davos 2021: Khôi phục niềm tin
VOV.VN - Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận, đưa ra quan điểm hợp tác kinh tế đa phương, những vấn đề của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Hôm nay (25/1), Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2021 khai mạc theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Trong tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021, với chủ đề “Một năm quan trọng để khôi phục niềm tin”, diễn ra từ ngày 25-29/1, lãnh đạo một số quốc gia và đại diện cho các tập đoàn đa quốc gia sẽ tập trung thảo luận, đưa ra quan điểm về hợp tác kinh tế đa phương, những vấn đề của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập cách đây 50 năm, Diễn đàn kinh tế thế giới không diễn ra ở Davos chia làm 2 phần: Nửa đầu diễn đàn là 1 tuần thảo luận trực tuyến, bắt đầu từ ngày hôm nay; nửa sau là những cuộc thảo luận mặt đối mặt, nhưng sẽ diễn ra tại Singapore vào cuối tháng 5.
Trong diễn văn khai mạc sự kiện, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới - ông Klaus Schwab cho biết, hội nghị Davos sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp một cách có trách nhiệm; tăng cường quản trị toàn cầu, đạt tiến triển trong nỗ lực trung hòa khí thải carbon.
Ông Klaus Schwab cũng kêu gọi hướng đến các hệ thống kinh tế và xã hội công bằng hơn, tạo ra đủ việc làm nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập hơn; khẳng định 2021 sẽ là một năm thế giới thoát khỏi đại dịch.
“Chúng ta ở đây cùng nhau vào năm 2021, năm mà tôi coi là năm bản lề, năm quan trọng đối với tương lai của chúng ta. Chúng ta có cơ hội chuyển sang sử dụng vaccine để chống lại đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, xây dựng lại nền kinh tế quốc gia. Chúng ta phải hành động theo cách mà tương lai nền kinh tế và xã hội của chúng ta sẽ linh hoạt hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn”, ông Klaus Schwab nhấn mạnh.
Dự kiến, 25 nguyên thủ trên thế giới cùng hơn 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự, sẽ tham gia tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021, với trọng tâm giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới trực tuyến.
Tổng thống Nga Putin dự kiến cũng sẽ có bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị này, trong bối cảnh ông đã không tham gia diễn đàn này từ năm 2009. Sự hiện diện của Tổng thống Nga có thể gây tranh cãi, trong bối cảnh các nước phương Tây đang định gia tăng trừng phạt với quốc gia này liên quan đến vụ bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
Dù chính quyền mới của nước Mỹ đã cam kết hồi sinh chính sách đối ngoại đa phương sau 4 năm duy trì cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên”, song Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới. Thay vào đó, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry sẽ tham dự sự kiện này./.