10% trẻ em Việt Nam phải lao động nặng nhọc, trả công rẻ mạt
VOV.VN -Cả nước hiện có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em đang phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong điều kiện có hại cho sức khỏe.
Từ ngày 1 - 2/12, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020.
Thông tin tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, hiện nay cả nước đang có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên (từ 5- 17 tuổi) đang phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong những điều kiện có hại cho sức khỏe. Con số này tương ứng với gần 10% số trẻ từ 5 - 17 tuổi trên toàn quốc.
Các đại biểu tham gia hội thảo |
Trong số lao động trẻ em được điều tra thì có 67% các em làm việc trong ngành nông nghiệp; 16% làm việc trong ngành xây dựng, chế tạo; 17% làm việc trong ngành dịch vụ.
Điều đáng buồn là tỷ lệ trẻ em bị thất học vẫn còn rất cao. Cụ thể, trong số trẻ em được khảo sát, có tới 52% trẻ đã từng đi học; 45,2% đang đi học và 2,8% chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Đáng lo ngại là trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề bị cấm sử dụng lao động, hoặc điều kiện lao động có hại là khoảng 1,3 triệu (chiếm 75% lao động trẻ em và 7,2 trẻ em từ 5 - 7 tuổi).
Thông tin cũng nhấn mạnh, lao động trẻ em được trả hết sức rẻ mạt. Các em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Thời gian làm việc của các em bị chủ sử dụng ép buộc từ 11 - 12 tiếng, thậm chí lên tới 16 tiếng/ngày.
Đối với những lao động trẻ em phục vụ tại các quán ăn, số tiền lương 1,8 - 2 triệu đồng/tháng đã được xem là khoản thu nhập thuộc loại khá, bởi nhiều em không được trả lương.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 là việc cụ thể hóa các giải pháp của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu liên quan đến lao động trẻ em.
Việc phê duyệt Chương trình cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam vì một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em Việt Nam./.