11 tháng đưa gần 79 ngàn người đi lao động xuất khẩu

Nếu doanh nghiệp tìm được thị trường tốt, người lao động có tay nghề, có ngoại ngữ, thì công tác xuất khẩu lao động vẫn ổn định

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 11 tháng cả nước đã đưa 78.734 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chiếm 91% kế hoạch cả năm (Kế hoạch cả năm là đưa 85.000 người đi lao động xuất khẩu).

Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường có đông lao động đi xuất khẩu nhất, 30.109 người (trong đó có gần 13.000 lao động nữ). Tiếp đó là thị trường Hàn Quốc- 14.989 lao động; thị trường Malaysia- 7.069 lao động; Nhật Bản- 5.290 lao động; Macau- 2.873; Arabia Saudi- 2.701; các thị trường khác- 15.700 lao động.

Những tháng cuối năm 2008, công tác xuất khẩu lao động có một số khó khăn nhất định. Do tình hình trong nước và thế giới hiện nay chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và tiền tệ, một số thị trường tiếp nhận lao động thu hẹp lại. Trong nước, người lao động có tâm lý kén chọn thị trường có thu nhập cao, cộng thêm với khó khăn trong việc vay vốn đi xuất khẩu lao động, đây cũng là trở ngại cho công tác này thời gian gần đây.

Tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn nỗ lực và thành công trong việc tìm kiếm thị trường tốt, có thu nhập tương đối cao và ổn định cho người lao động. Ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD), Bộ Giao thông vận tải, cho biết, Công ty đã và đang hướng tới việc đào tạo nghề có địa chỉ cho người lao động đi xuất khẩu. Hiện tại, các trung tâm và cơ sở dạy nghề của Công ty LOD đào tạo khoảng 3.000 lao động/năm cho các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo ông Bình: “Nếu doanh nghiệp tìm được thị trường và đối tác tốt, kết hợp với việc tổ chức đào tạo người lao động có tay nghề, có ngoại ngữ; thì việc đưa lao động đi xuất khẩu vẫn ổn định, hạn chế được rủi ro”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên