Thông điệp sau cái bắt tay của Iran với các nước Mỹ Latin
VOV.VN - Tổng thống Iran Ebrahim Raisol-Sadati đang có chuyến thăm Mỹ Latin bắt đầu từ hôm qua (11/6), với 3 điểm dừng chân là Venezuela, Nicaragua và Cuba. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông tới Mỹ Latin kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2021.
Thông điệp đằng sau động thái ngoại giao của Iran
Trước sức ép của Mỹ và phương Tây, từ lâu Iran đã luôn chủ động mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latin. Ông Raisi đã từng mô tả các kế hoạch tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latin như một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Iran.
Chuyến thăm của Tổng thống Raisi lần này cũng nằm trong chiến lược ngoại giao, thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị và củng cố, mở rộng quan hệ với các quốc gia thân thiện. Các nước này cũng có nhiều quan điểm chính trị và quốc tế với Iran. Iran dự kiến sẽ ký một số thỏa thuận hợp tác với ba quốc gia Mỹ Latin trong chuyến thăm của Tổng thống Raisi.
Chuyến thăm của ông Raisi diễn ra trong bối cảnh hình thành các liên minh song phương để đối đầu với các chính sách của Mỹ. Iran muốn mở rộng quan hệ nhằm cân bằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là sự hiện diện quân sự ở vùng Vịnh. Iran cũng đã đầu tư lớn vào Mỹ Latin, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp, hợp tác sản xuất ô tô và mua cổ phần một số lượng lớn các nhà máy lọc dầu ở đây.
Iran đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước trong khu vực Arab, châu Phi, châu Á và Mỹ Latin. Thứ nhất, việc mở rộng quan hệ là chiến lược chính của Iran nhằm tránh các lệnh trừng phạt, giảm sự cô lập và tăng cường sự đối trọng. Thứ hai, thỏa thuận hạt nhân Iran với Mỹ và phương Tây đã có nhiều tiến bộ dù chưa đi tới thỏa thuận cuối cùng.
Nhưng thời điểm mà các bên đang có nhiều thiện trí để đối thoại hơn là đối đầu và xung đột hoặc đả kích. Thứ ba, sự hợp tác giữa IAEA và Iran cũng tương đối tốt trong thời gian qua khi Iran hợp tác nghiêm túc với IAEA, cho phép nhiều thánh sát viên tới các địa điểm nghi ngờ làm giàu uranium hay cho phép các camera giám sát ở nhiều nhà máy hạt nhân…
Thứ tư, các nước Arab cũng đang thúc đẩy hòa bình và đối thoại để phát triển kinh tế, an ninh, hợp tác chống khủng bố hơn là thù địch như thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao Iran và Saudi Arabia mới đây hay thông tin về Iran và Ai Cập cũng đang dần bình thường hóa quan hệ. Đó cũng là cơ hội để Iran củng cố quan hệ và tăng cường hợp tác an ninh, đầu tư với các nước trong khu vực.
Thậm chí mới đây, Iran còn đề xuất thành lập liên minh hải quân với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đề xuất về kinh tế và hợp tác an ninh tập thể, đặt nền móng cho khuôn khổ hiệp ước quốc phòng tập thể và thiết lập hệ thống an ninh khu vực thông qua hợp tác tập thể chung giữa các quốc gia trong khu vực. Thứ năm, mở rộng quan hệ với các nước, giúp Iran vượt qua những khó khăn về kinh tế.
Nếu các chiến lược cũ của Iran tập trung vào việc sử dụng các trận chiến để giành vị trí quốc tế, thì chiến lược mới của nước này có xu hướng đi xa hơn ở chỗ muốn kiểm soát đất đai, tài nguyên, đường thủy, khả năng kinh tế và các địa điểm quân sự nhạy cảm bằng biện pháp mềm. Mỗi quốc gia mà Iran tìm cách tăng cường quan hệ đều có những lợi thế khác biệt so với các quốc gia khác. Iran cũng nhận thấy rõ tìm kiếm các đồng minh xa hơn một chút để thúc đẩy kinh tế và hợp tác hỗ trợ, bảo vệ từ xa.
Quan hệ Mỹ - Iran
Ở thời điểm hiện tại, quan hệ Mỹ và Iran có thể nói là êm dịu. Nếu Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông, thậm chí là đưa lực lượng quân sự, tàu chiến tới khu vực, có các cuộc tập trận quân sự chung ở khu vực như răn đe và ngăn chặn Iran thì Tehran cũng mở rộng quan hệ với khu vực Mỹ Latin để cân bằng đối trọng. Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cũng như đe dọa sử dụng biện pháp quân sự khi căng thẳng với Iran leo thang.
Tuy nhiên, xung đột không phải là giải pháp mà các bên lựa chọn. Mỹ cũng không thể ngăn chặn hoặc cản trở Iran củng cố quan hệ với các nước mà họ có cùng quan điểm chính trị hay cùng chung các lợi ích kinh tế về dầu mỏ, khí đốt. Mỹ cũng đang có nhiều mối lo khi kinh tế đang suy thoái, uy tín ở khu vực Trung Đông bị giảm sút, duy trì ảnh hưởng ở các nước, khu vực trước các cường quốc như Nga và Trung Quốc.
Liên quan tới vấn đề hạt nhân, dù các bên liên quan đã đạt được nhiều tiến bộ khi đã có các cuộc đàm phán trực tiếp và gián tiếp nhưng các bên chưa thể đặt bút ký và các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 do phương Tây làm trung gian bị ngưng trệ. Vấn đề này là một trong những ưu tiên của Mỹ nhưng ở thời điểm hiện tại, đó chưa phải là ưu tiên hàng đầu và cấp thiết.
Trong chuyến thăm Trung Đông mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran không phải là trọng tâm của Mỹ vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra một bước ngoặt cơ bản đối với việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân giữa một bên là Iran và bên kia là nhóm “P5+1” do Mỹ lãnh đạo. Mỹ coi việc quay trở lại là một cơ hội kinh tế thích hợp để thanh toán nhiều dầu hơn cho thị trường toàn cầu, do đó hạn chế đà tăng giá.
Việc quay lại thỏa thuận có thể phá bỏ liên minh Nga - Iran trong khu vực Arab. Iran nhìn thấy cơ hội thoát khỏi sự cô lập quốc tế và tái hòa nhập vào hệ thống quan hệ quốc tế dưới mọi hình thức.
Iran đang tích cực triển khai các bước đi ngoại giao nhằm tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác đem lại lợi ích thiết thực, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời giúp củng cố ảnh hưởng của Iran. Tuy nhiên, một khi vấn đề hạt nhân Iran chưa có được tín hiệu khả quan thì quốc gia này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức cũng như sức ép từ phương Tây./.