2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội chỉ trong nửa tháng ​

VOV.VN -Cả 2 bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng suy đa tạng.

Thêm một bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết được ghi nhận hôm nay (1/9), tại Bệnh viện Bạch Mai. Đây là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội tử vong do bệnh này chỉ trong nửa tháng qua. Điều đáng nói là cả 2 bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng suy đa tạng. 

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Nam bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong sáng nay (1/9) 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc về điều trị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân đến khám và xét nghiệm được phát hiện sốt xuất huyết. Lúc đó men gan của bệnh nhân tăng cao, trên 4.000 và bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng. Lúc đầu bệnh nhân đến khoa Cấp cứu A9 được lọc máu và chuyển đến điều trị tại Trung tâm của chúng tôi. Sau nửa ngày bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (tim phổi nhân tạo) và hồi sức, nhưng bệnh nhân đã tử vong sáng nay”.

Trước đó, cách đây nửa tháng, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng mẹ làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội đã cho con truyền dịch tại nhà, không đến bệnh viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được 2 lần hồi sức tim thành công và được áp dụng kỹ thuật ECMO  tim phổi nhân tạo) nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.

Từ thực tế này, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa khuyến cáo: “Bắt đầu từ ngày thứ 4 bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Tuy nhiên, từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Người dân không tự ý truyền dịch, điều này rất nguy hiểm.

Lý do vì ở từng thời điểm, từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ phải điều chỉnh tốc độ truyền dịch nhanh hay chậm để tránh sốc. Chẳng hạn, từ ngày thứ 4, bệnh nhân có thể có rối loạn tăng tính thấm thành mạch, dễ xuất huyết nặng lên, rối loạn đông máu, nếu truyền dịch không cẩn thận có thể dẫn đến sốc, nhất là những người có cơ địa bệnh nền mạn tính. Đến giai đoạn hồi phục, cơ thể lại tái hấp thu dịch trở lại, lúc này bệnh nhân không nên truyền dịch mà nằm theo dõi tình trạng xuất huyết. Hay có những bệnh nhân máu cô đặc vì phải truyền ở tốc độ rất nhanh. Bệnh nhân có bệnh nền, mãn tính thì càng nguy hiểm”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên