20 năm Công ước quốc tế về quyền trẻ em

Hôm nay (18/12), tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổ chức Plan tại Việt Nam tổ chức toạ đàm "20 năm Công ước quốc tế về quyền trẻ em".

Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Theo bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam: Công ước quyền trẻ em được Liên Hợp Quốc thông qua và có hiệu lực từ ngày 2/9/1990. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước này (ngày 20/2/1990).

Hai mươi năm qua, hàng chục triệu trẻ em Việt Nam đã được lớn lên, hàng trăm tổ chức xã hội đã được phát triển cùng với Công ước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, theo bà Nguyễn Thị An, Giám đốc các dự án của Tổ chức Plan tại Việt Nam: Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 2.600.000 trẻ em sống ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em lang thang, trẻ bị bạo hành và lạm dụng tình dục... Nhóm trẻ em này có nguy cơ không được hưởng những lợi ích mà Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định. Do vậy, điều then chốt để thực hiện quyền trẻ em đối với nhóm trẻ em này là cần nhận biết sớm, đối xử phù hợp và được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời trong chính cộng đồng của các em.

Để giải quyết tốt hơn những vấn đề liên quan đến lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, các đại biểu cho rằng: cần phải tích cực thực hiện chủ trương xã hội hoá các mục tiêu vì trẻ em. Nhà nước cần có chính sách phát huy hoạt động của các lực lượng tổ chức xã hội trong nước và khuyến khích sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm tạo cơ hội, môi trường cho mọi trẻ em thực hiện quyền của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên