3 rào cản trong hợp tác lao động Việt Nam-Cộng hòa Séc
VOV.VN -Có 3 rào cản cản trở quá trình hợp tác lao động giữa hai nước hiện nay, đó là xin visa khó khăn, bất đồng ngôn ngữ và nhận thức về làn sóng di dân.
Hôm qua (30/5), tại trụ sở Hạ viện Cộng hòa Séc ở thủ đô Praha, Hạ viện và Viện nghiên cứu ứng dụng ngoại giao kinh tế của Cộng hòa Séc phối hợp tổ chức hội thảo nhằm nhận diện những khó khăn vướng mắc cản trở hợp tác, đào tạo lao động giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, cũng như đưa ra đề xuất thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này.
Hội thảo thu hút sự tham dự của một số nghị sĩ Quốc hội, đại diện các Bộ Nội vụ, Lao động - Xã hội, Công thương của Séc, và một số doanh nghiệp hai nước.
Hội thảo tháo gỡ khó khăn trong hợp tác lao động Việt Nam-Séc |
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn cho biết, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu lao động sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Phần Lan, Italia, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Brunei. Lao động Việt Nam tham gia vào 30 nhóm ngành nghề, trong đó có nhiều ngành nghề đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao như y tế, viễn thông-tin học, điện-điện tử, chế tạo máy, dầu khí...
Đại sứ nhấn mạnh, Cộng hòa Séc được coi là một trong những thị trường truyền thống về xuất khẩu lao động của Việt Nam, bởi Cộng hòa Séc đã từng tiếp nhận học sinh Việt Nam sang đào tạo và sử dụng lao động Việt Nam ngay từ những năm 1970 của thế kỷ 20. Đại sứ cho rằng, sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hai nước hiện nay đang tạo ra cơ hội lớn cho hợp tác song phương trong lĩnh vực lao động và đào tạo nghề.
Tại hội thảo, các đại biểu của Việt Nam và Séc đều nhận định hai nước có tiềm năng rất lớn về hợp tác trong lĩnh vực lao động, đặc biệt là đối với ngành nghề đòi hỏi công nhân kỹ thuật có tay nghề. Theo các diễn giả, sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, nền kinh tế Cộng hòa Séc đang phục hồi mạnh mẽ và có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực nhằm đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, kỷ luật lao động cao, hòa nhập tốt với cuộc sống nước sở tại, có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hầu hết tất cả các ngành nghề tại Cộng hòa Séc.
Kỹ sư Jindrich Vlcek, đại diện Công ty Bene Trade chuyên về sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc ngành hóa chất và thép hiện đang có dự án hợp tác đào tạo công nhân kỹ thuật với Việt Nam, đánh giá cao lợi thế so sánh của lao động Việt Nam so với các nước khác.
Ông nói: “Trong thời gian vừa qua, tôi đã làm việc trực tiếp với các bạn Việt Nam và thấy rằng họ đều là những công nhân giỏi, ham học hỏi, khả năng bắt kịp nhanh với công nghệ mới và làm việc độc lập. Họ thực sự làm việc có sáng tạo và đặc biệt có đôi bàn tay vàng. Kỹ năng và đức tính này rất cần thiết cho các ngành công nghiệp nặng như cơ khí, chế tạo máy mà các xí nghiệp của Séc hiện rất cần".
Mặc dù tiềm năng hợp tác về lao động của hai bên là rất lớn, nhưng đã xuất hiện những rào cản cản trở quá trình hợp tác song phương trong lĩnh vực này. Theo Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (cũ), từ năm 1980 đến năm 1989 đã có hơn 37.000 lao động Việt Nam được cử sang làm việc tại Tiệp Khắc, cùng với gần 10.000 học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động.
Năm 1994, Chính phủ hai nước tiếp tục ký hiệp định hợp tác song phương về lao động, nhưng số lượng lao động Việt Nam tại Séc ngày một giảm dần. Và kể từ năm 2009 cho đến nay thị trường lao động Séc dường như ở trong tình trạng đóng băng đối với lao động Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Xã hội Séc, tính cho đến nay mới chỉ có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đã được cấp giấy phép đủ điều kiện làm việc tại quốc gia này, một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu của Séc và nguồn cung từ phía Việt Nam.
Đại diện Bộ Nội vụ Séc (giữa) tại hội thảo |
Trong khi đó, ông Marcel Winter, Chủ tịch Hội Séc-Việt, một tổ chức phi chính phủ kết nối hợp tác Việt Nam-Séc, đưa ra một thực tế thay vì thực hiện Hiệp định hợp tác giữa hai nước, việc tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Séc hiện nay chủ yếu thực hiện qua kênh hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ của Séc với các đối tác Việt Nam. Lý giải điều này, ông Winter và nhiều diễn giả khác đều cho rằng, khó khăn trong việc cấp thị thực cho lao động Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đóng băng kể trên.
Trao đổi với VOV, Giáo sư Petr Louda, Trưởng khoa nghiên cứu phân tích cấu trúc Nano của Trường Đại học Công nghệ Liberec, nơi đang có dự án hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên với Trường Đại học Nha Trang, cho biết có ba rào cản cản trở quá trình hợp tác lao động giữa hai nước hiện nay. Đó là việc xin visa khó khăn, bất đồng ngôn ngữ và nhận thức về làn sóng di dân hiện nay. Tuy nhiên, giáo sư cho rằng không phải tất cả những rào cản này là khó đến mức các bên không thể vượt qua.
Giáo sư Louda phân tích: "Vấn đề khó khăn nhất đó là việc cấp thị thực cho công dân Việt Nam muốn sang Cộng hòa Séc để học tập, nghiên cứu, làm việc hay du lịch. Rào cản thứ hai là ngôn ngữ. Tiếng Séc khá khó đối với những người không phải có nguồn gốc Slavo, nhưng các bạn có thể đăng ký học tiếng Anh thay thế. Rào cản thứ ba, nếu Séc coi đây là di dân kinh tế thì với tôi người Việt Nam không phải là trường hợp được xếp vào danh sách này".
Giáo sư Louda cho rằng, không có lý gì những lao động Việt Nam có tay nghề, cần cù, chịu khó, khả năng thích ứng nhanh với công việc, lại bị từ chối cơ hội làm việc tại Cộng hòa Séc chỉ vì vướng mắc trong thủ tục cấp thị thực. Ông hy vọng, những khó khăn này sẽ sớm được tháo gỡ và trường của ông sẽ tiếp tục không chỉ nhận sinh viên Việt Nam sang học, nghiên cứu tại trường, mà còn tạo cơ hội cho họ làm việc tại các nhà máy nổi tiếng tại Séc như Skoda chuyên sản xuất ô tô hay Siemens chuyên về thiết bị điện-điện tử.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hợp tác lao động và đào tạo nghề giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Đại sứ Trương Mạnh Sơn cho biết phía Việt Nam sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Cộng hòa Séc để tiếp tục triển khai hoặc ký một hiệp định mới về lĩnh vực này. Phía Việt Nam sẽ phối hợp với đối tác Séc tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường lao động Séc, tổ chức tuyển lựa, đào tạo đảm bảo lao động có trình độ, chất lượng tay nghề đáp ứng yêu cầu của Séc cũng như của Liên minh châu Âu.
Ông Phạm Hồng Thái, một chuyên gia thuộc Ban quản lý Học sinh học nghề Việt Nam thực hiện Hiệp định đào tạo 5.000 học sinh học nghề Việt Nam tại Cộng hòa Séc những năm 1970, đề xuất ý tưởng thành lập một trung tâm đào tạo chung đảm bảo nguồn cung nhân lực có trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn cho Cộng hòa Séc.
Theo ông Vojtech Filip, Phó chủ tịch Hạ viện Séc, những khó khăn cản trở hợp tác lao động giữa hai nước, trong đó có vấn đề cấp thị thực cho lao động Việt Nam sang Cộng hòa Séc để học tập và làm việc, cần phải được khơi thông, tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam sớm quay trở lại với thị trường lao động Séc một cách dễ dàng hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của quốc gia này.
Ông Filip cũng đề nghị cần tăng cường trình độ của lao động Việt Nam thông qua đào tạo tại hệ thống các trường dạy nghề và đại học tại Công hòa Séc để họ có thể làm việc độc lập tại các cơ sở tuyển dụng của Séc và sau đó quay trở lại làm việc trong những ngành nghề quan trọng ở Việt Nam.
Mặt khác ông cũng gợi ý hệ thống trường dạy nghề ở Việt Nam cần nâng cao chất lượng giảng dạy để làm sao người lao động có thể được chấp nhận làm việc ngay tại các nhà máy, xí nghiệp của Cộng hòa Séc mà không phải mất thời gian đào tạo lại.
Với mối quan hệ chính trị-kinh tế hai nước đang phát triển tốt đẹp những năm gần đây và một cộng đồng người Việt Nam lớn mạnh, đang tích cực hội nhập và làm cầu nối cho quan hệ hai nước, Việt Nam và Cộng hòa Séc đang có nhiều cơ hội để tái khởi động và tăng cường hợp tác về lao động.
Những nhận xét, đóng góp, đề xuất của các đại biểu tại hội thảo là cơ sở để chính phủ và các bộ ngành của hai nước xem xét, tháo gỡ những vướng mắc nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về lĩnh vực này trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cả hai bên./.