Đưa phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" đến sinh viên TP.HCM
VOV.VN - Buổi chiếu phim đưa các sinh viên trở về thời gian khó nhưng hào hùng của dân tộc, hiểu hơn về vị lãnh tụ của dân tộc và những giá trị, bài học mà Người để lại cho thế hệ mai sau.
Nhân kỉ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), chiều nay (18/5), Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm điện ảnh "Hồ Chí Minh – Chân dung một con người" với sinh viên Trường Đại học Mở TP.HCM.
Mở đầu chương trình là buổi giao lưu chuyên đề “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm văn học nghệ thuật" với 2 khách mời là diễn giả Trần Trung Quang và nhạc sĩ trẻ Trần Xuân Mai Trâm.
Hai khách mời đã có nhiều chia sẻ thú vị về những câu chuyện trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, thi ca của Bác Hồ và cả những tác phẩm văn học – âm nhạc về Bác.
Tiếp đó là buổi chiếu phim tài liệu điện ảnh "Hồ Chí Minh – Chân dung một con người". Bộ phim dài 60 phút do biên kịch Bành Bảo, đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích, hãng phim Ngọc Khánh sản xuất năm 1990.
Từ hơn 30.000 mét phim lưu trữ và những tư liệu phim quý giá sưu tầm được ở các bảo tàng Moscow, Leningrad (Liên bang Nga), các nhà làm phim đã lựa chọn để xây dựng nên một bộ phim tài liệu về chân dung vị Cha già dân tộc; khắc họa nhân cách của một lãnh tụ giản dị mà vĩ đại; một con người cả đời sống, chiến đấu và hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân, vì nền độc lập tự do của dân tộc. Phim đã đạt giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX năm 1990.
Buổi chiếu phim đưa các sinh viên của Trường Đại học Mở TP.HCM trở về với một thời gian khó nhưng hào hùng của dân tộc, hiểu hơn về vị lãnh tụ của dân tộc và những giá trị, bài học mà Người để lại cho thế hệ mai sau.
Ông Huỳnh Công Khôi Nguyên - Giám đốc Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM cho biết, trong kho lưu trữ của Viện Phim quốc gia có rất nhiều tư liệu quý, đặc biệt là các phim về Bác Hồ. “Mỗi khi có dịp kỉ niệm, Nhà văn hóa đều mong muốn mang những tác phẩm phim về Bác đến với công chúng, đặc biệt là các sinh viên, đoàn viên thanh niên. Thông qua hoạt động này, Nhà văn hóa muốn lồng ghép vào đó mục đích giáo dục về truyền thống và tư tưởng cho học sinh, sinh viên”, ông Khôi Nguyên nêu rõ./.