4 địa phương được tạm gỡ lệnh dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc
VOV.VN - Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) vừa thông báo tổ chức kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024. Điểm mới của việc tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc đợt này là sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc, không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao như những năm trước.
Trong đợt 1/2024, phía Hàn Quốc thông báo tuyển chọn 15.374 lao động Việt Nam. Trong đó, lao động ngành sản xuất chế tạo là 11.276 người; ngành nông nghiệp là 895 người; xây dựng là 200 người và lao động ngành ngư nghiệp là 3.033 người. Ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2024 tăng hơn 3.000 lao động so với năm 2023, một điểm đáng chú ý là việc tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc đợt này diễn ra trên phạm vi toàn quốc, không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như những năm trước đây, trừ một số ngành thiểu số đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp.
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết: Sau nhiều lần đàm phán, phía Hàn Quốc đã đồng ý tạm gỡ bỏ áp dụng các biện pháp dừng tuyển lao động đối với các địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước. Tuy nhiên, những người lao động có thân nhân gồm: bố mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được tham dự chương trình EPS lần này.
“Với tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước năm 2023 của Việt Nam đã giảm xuống mức 26,48%, thấp hơn mức theo cam kết giữa 2 bên, nên phía Hàn Quốc đã thông báo và thống nhất với Việt Nam sẽ không còn áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn như các kỳ thi của các năm trước. Với người lao động cư trú tại 8 quận, huyện của 4 địa phương phải tạm dừng tuyển chọn của năm 2022-2023 thì với kỳ thi đợt 1 của năm 2024, người lao động cư trú tại các địa phương này được đăng ký tham gia thi tiếng Hàn cũng như thi tay nghề để có thể tham gia chương trình EPS”, bà Lan nói.
Cụ thể, người lao động tại các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn trước đây, lần này tiếp tục được thi tuyển gồm: 2 huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên của (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh, (tỉnh Hải Dương); các huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa); thị xã Cửa Lò và 2 huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên của (tỉnh Nghệ An).
Một điểm mới đáng chú của chương trình EPS đợt 1 năm 2024, chính là việc mở rộng đối tượng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết: Trước đây, chương trình chỉ tuyển lao động tại 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, người dân tộc thiểu số; lao động đã từng làm việc trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc về nước đúng hạn hợp đồng. Năm nay, Chương trình EPS sẽ mở rộng tiếp nhận lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đối với 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
“Với chủ trương thúc đẩy người lao động tại các địa phương tham gia nhiều hơn nữa các chương trình phi lợi nhuận của Bộ LĐTBXH, đặc biệt với các địa phương ở ĐBSCL, số lượng tham gia các chương trình phi lợi nhuận thời gian qua còn khá ít, hơn nữa khu vực ĐBSLC là khu vực mà người lao động làm ngành nông nghiệp rất nhiều. Chính vì vậy, chúng tôi đã đề xuất hỗ trợ và thúc đẩy cho người lao động ở các địa phương khu vực này có thể tham gia ngành nông nghiệp. Như vậy, các năm trước, các tỉnh miền núi phía Bắc đã được tạo điều kiện tham gia, năm nay chúng tôi đề xuất với Bộ LĐTBXH mở rộng thêm cho người lao động cư trú tại khu vực ĐBSCL có thể tham gia ngành nông nghiệp, tạo cơ hội nhiều hơn cho người lao động tham gia chương trình EPS”, bà Lan cho biết thêm.