40 năm ký ức Bàn Cờ
VOV.VN - Với những người chị, người em Bàn Cờ ngày ấy, ký ức của bao năm tháng sôi sục tranh đấu vẫn còn vẹn nguyên.
Bàn Cờ ở Quận 3, TP HCM là điểm sáng của phong trào cách mạng Sài Gòn – Gia Định qua cả hai cuộc chiến chống Pháp và đánh Mỹ. Địa danh Bàn Cờ được nhớ đến qua những câu chuyện cảm động lòng người trong lửa đạn chiến tranh. Đã 40 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, nhưng với những người chị, người em Bàn Cờ ngày ấy, ký ức của bao năm tháng sôi sục tranh đấu vẫn còn vẹn nguyên.
“Có người mẹ Bàn Cờ
Tay gầy, tóc bạc phơ
Chuyền cơm qua vách cấm
Khi ngoài trời đổ mưa.
Có người chị Bàn Cờ
Lính ngồi canh trước cửa
Nhận sinh viên là chồng
Để đưa về khỏi ngõ…”
Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, tôi ngồi nghe những người chị Bàn Cờ ngày ấy kể về năm tháng đấu tranh gian khổ mà vinh quang của tuổi trẻ miền Nam. Nói là người chị Bàn Cờ vì khi tham gia xuống đường, chuyền cơm, rải truyền đơn, má Từ Ngọc Lang và những đồng đội của mình lúc đó chưa bước sang tuổi 30.
Năm 19 tuổi, khi cùng chồng từ Cần Thơ lên Sài Gòn dạy học, má Lang về ở tại khu Bàn Cờ. Ngày ấy, nơi đây toàn đầm lầy, mồ mả, dân cư thưa thớt, chỉ có khu chợ là đông người bán buôn. Một buổi dạy học, một buổi má âm thầm hoạt động cách mạng. Năm 1968, má chính thức tham gia phong trào Sinh viên Phật tử. Không chỉ xuống đường cùng học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định, cô giáo Lang ngày đó còn theo các má đi chuyền cơm cho bộ đội ở trụ sở Tòa Đại sứ Campuchia (ngôi nhà này nay là trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 3). Những phần cơm, nước uống và cả xăng sau khi gói cẩn thận trong lá sen, được các má, các chị nhanh chóng chuyền qua vách cấm để nuôi sống sinh viên bị giam giữ.
Má Lang cho biết, gian nan nhất vẫn là những ngày len lỏi vào chợ rải truyền đơn, vì quân lính canh gác khắp nơi: “Các ông kia theo dõi. Mình làm sao phải đánh lạc hướng được để khi mấy ổng vừa qua là bắt đầu ở đây mình làm. Tổ chức cũng cho mình biết rõ về những người đó để mình cẩn thận. Khi nào có lệnh mới làm. Không lệnh, không ai được quyền làm. Lúc đó chúng tôi rất chấp hành. Đó là sự nguy hiểm, gian nan. Nó bắt được thì đánh chết”.
Nguy hiểm vây quanh, nhưng các má, các chị ở khu Bàn Cờ ngày ấy luôn sẵn lòng cưu mang bộ đội, cất giữ vũ khí cũng như tình nguyện tham gia phong trào khi tổ chức cần. Các má, các chị còn vận động tiểu thương ở các chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối ủng hộ thuốc men, thực phẩm. Rồi lại bí mật vận động các gia đình có nhà sát vách Tòa Đại sứ đục tường để chuyển từng nắm cơm, viên thuốc vào cho sinh viên, học sinh đang bị cầm giữ.
Má Huỳnh Thị Hiền là một trong số những người đi vận động thời đó. Năm 1957, 26 tuổi, má Hiền từ miền Trung theo chồng vào Nam sinh sống. Ba năm sau, má tham gia cách mạng. Khi đó, từ xuống đường đấu tranh đến hỗ trợ rải truyền đơn, nấu cơm cho bộ đội… phần việc nào cũng được má Hiền hoàn thành tốt. Dù đạn bom khắp nơi, dù quân địch luôn rình rập bắt bớ nhưng nghĩ tới ngày đất nước được thống nhất, các má, các chị luôn vững niềm tin. Má Huỳnh Thị Hiền nói: “Tham gia như vậy tôi cảm thấy tự hào vì được đi tranh đấu để khơi gợi tinh thần trong phong trào sinh viên – học sinh, phong trào quần chúng. Mình phấn đấu tham gia cho lực lượng của mình hào hùng, đông đủ để bên kia khiếp sợ”.
Giờ tuổi đã đều trên dưới 80, nhưng nhắc đến những ngày “chuyền cơm qua vách cấm”, những lúc “nhận sinh viên làm chồng” cho đến giây phút khải hoàn của ngày 30/4/1975 lịch sử, má Lang, má Hiền đều xúc động, tự hào. Niềm tự hào đó đã lan truyền sang thế hệ trẻ ngày nay.
Chị Phạm Thị Ánh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 3, Quận 3 cho biết: “Tuy không sinh ra trong thời chiến tranh nhưng nghe kể về những đóng góp của các mẹ, các chị Bàn Cờ, tôi cảm thấy rất tự hào. Là phụ nữ của thế hệ ngày nay, đặc biệt hiện đang công tác trên địa danh Bàn Cờ này, bản thân tôi luôn hứa sẽ cố gắng trong công tác hội nhiều hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa danh Bàn Cờ nói riêng và TP HCM nói chung”.
Đã xa rồi những tháng năm khói lửa, nhưng sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của các má, các chị ở Bàn Cờ cho sự nghiệp đấu tranh giành lấy hòa bình, độc lập sẽ luôn là hình ảnh đẹp, là niềm tự hào, là nguồn động viên, khơi dậy nhiệt huyết cống hiến trong lòng các thế hệ đi sau./.