400 hộ dân ở Lào Cai đang nằm trong vùng nguy hiểm
VOV.VN - Bắt đầu vào thời kỳ cao điểm mưa lũ, nhưng tại Lào Cai vẫn đang còn khoảng 400 hộ dân trong vùng nguy hiểm chưa kịp di dời.
Giữa mùa hạ, cũng là thời điểm những trận mưa lớn xuất hiện ngày một nhiều hơn. Với 50 hộ dân ở thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, mỗi trận mưa là thường trực nỗi lo vì sinh sống ngay dưới chân núi đá có nguy cơ ập xuống bất cứ lúc nào. Trước đây, trong thôn đã từng có hộ bị đá lớn, đá nhỏ từ trên núi lăn thẳng vào nhà, như gia đình anh Vừ Seo Chu là một ví dụ.
"Sự việc xảy ra từ cuối 2014 – 2015, đi làm về thì đá đã lăn xuống, hỏng hết nhà. Sợ nhất là ban đêm, còn ban ngày vẫn chạy được. Tình trạng này gia đình cũng đã đề xuất nhà nước, báo cáo trưởng thôn lâu rồi nhưng giờ vẫn chưa di chuyển"- anh Vừ Seo Chu nói.
Theo ông Vương Sở Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố, ngay từ sau lần đá lăn đầu tiên, chính quyền xã đã cùng với phòng chức năng của huyện tới kiểm tra, đánh giá; sau đó, nhiều cuộc họp đã diễn ra, các ý kiến đề xuất đều được tiếp thu nhưng giờ vẫn chưa giải quyết được câu chuyện ở Vả Thàng.
"Trước mắt cấp ủy, chính quyền vận động bà con thường xuyên cảnh giác khi có mưa to gió lớn di chuyển sang các hộ đảm bảo an toàn hơn để trú nhờ"- ông Vương Sở Ngọc cho biết.
Báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương cho thấy, đối với các hộ dân ở thôn Vả Thàng, hiện nơi ở mới đã được quy hoạch gần 5 ha, trên mặt bằng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc di dời vẫn chưa thực hiện được do khó khăn về vốn. Ngoài ra, tại Mường Khương còn trên 60 hộ dân nằm rải rác và tập trung tại nhiều xã nhưng vẫn chưa được di dời.
Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, trong năm 2021, toàn tỉnh có trên 400 hộ dân trong diện nguy cấp phải di dời. Đó là con số thống kê, còn thực tế triển khai gặp phải nhiều khó khăn như câu chuyện ở Vả Thàng và huyện Mường Khương nói trên.
"Khó khăn nhất trong công tác di chuyển đó là bố trí quỹ đất cho người dân để sắp xếp ra nơi ở mới. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của đồng bào thiểu số, khi di chuyển nhà ở còn chọn tuổi, chọn ngày, kiêng cữ, có người vận động đi thì họ bảo phải đến tầm tháng 10, 11 trong khi việc di chuyển phải đảm bảo trước mùa mưa bão"- ông Chu Hoàng Nguyện cho biết.
Hiện đã là cao điểm mùa mưa lũ nhưng cả tỉnh Lào Cai mới chỉ có khoảng 30 hộ dân trong vùng thiên tai được di dời – một con số hết sức khiêm tốn so với mục tiêu đề ra là phải hoàn tất di chuyển hơn 400 hộ dân trước mùa mưa lũ.
Những khó khăn có thể chia sẻ được, nhưng thực tế mỗi ngày trì hoãn là một ngày sự an toàn và tính mạng của người dân mong manh phụ thuộc vào thiên tai vốn dĩ luôn không hẹn mà tới./.