4.500 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông
VOV.VN - Tình trạng sạt lở bờ sông tại tỉnh Quảng Trị diễn ra từ nhiều năm nay, nghiêm trọng nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9 đến 11 hàng năm. Sạt lở bờ sông không chỉ làm mất đất sản xuất, đất ở, hư hỏng công trình của Nhà nước và cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Sau trận lũ lịch sử năm 2020, nhiều hộ dân ở các xã dọc bờ sông thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị cuốn trôi đất ở và đất sản xuất, nhiều hộ dân phải di dời đi nơi khác. Sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tải sản của bà con.
Bà Ngô Thị Lộc ở thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong nơm nớp lo sợ bởi nhà gần bờ sông: "Đến mùa mưa lụt là sợ lắm. Mùa mưa lũ là chuẩn bị sơ tán chứ ở đây sợ lắm. Sợ nhà sập xuống dưới sông bởi đất lở nhanh quá đi. Đất ở đây là đất cát nên sợ, mỗi mùa mưa bão là lo dữ lắm. Nhà ở gần sông, nghe mưa gió sợ nhà sụt xuống sông".
Cũng như bà Lộc, ông Phạm Xanh, ở thôn An Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong mong sớm có những giải pháp bảo vệ, chống xói lở bờ sông để không còn nỗi ám ảnh trong mùa mưa bão: "Nhà tôi sống gần sông quá cực đi. Nhờ cấp trên quan tâm, xây kè để dân sống cho an toàn".
Tình trạng sạt lở bờ sông đang đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trên địa bàn huyện xuất hiện 15 điểm bị sạt lở tại 2 bờ sông Thạch Hãn và Vĩnh Định. Ông Vũ Thành Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong lo lắng: "UBND huyện đã tiến hành đánh giá rà soát, kiểm tra và đánh giá các điểm sạt lở, nhất là vùng xung yếu. Qua đó, đề xuất tỉnh, Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục các điểm xung yếu nhằm bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân, vừa phục vụ phòng chống thiên tai, vừa hạn chế sạt lở trên địa bàn huyện."
Hằng năm, tỉnh Quảng Trị hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của các hình thái thiên tai. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, hơn 100km chiều dài các sông ở địa phương này bị sạt lở. Sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống hơn 4500 hộ dân. Trước tình trạng bờ sông sạt lở ngày càng dữ dội, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện một số giải pháp ứng phó khắc phục và giảm thiểu thiệt hại.
Địa phương đã và đang huy động nguồn lực đầu tư xây dựng 60 km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông... với tổng kinh phí gần 750 tỷ đồng. Cả tỉnh đã trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ sông trên diện tích hơn 70ha dọc các tuyến đê cửa sông và đê biển; nạo vét, khơi thông dòng chảy tại một số trục tiêu thuộc các sông bị bồi lấp, đảm bảo tiêu thoát lũ và phục vụ sản xuất.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: "Tỉnh Quảng Trị huy động các nguồn lực để nâng cấp, gia cố những công trình xung yếu, cấp bách thường xuyên bị ảnh hưởng, có nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính mạng và đời sống cũng như sản xuất của người dân. Đồng thời, quy hoạch lại 1 số địa điểm để di dời các hộ dân, đặc biệt là vùng ngập lụt, sạt lở. Dự báo trong ngắn hạn và dài hạn về cấp độ nguy cấp để di dời dân".