51,3% sinh viên 3 trường sư phạm được khảo sát cho biết từng bị quấy rối tình dục

VOV.VN - 51.8% sinh viên tại 3 trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Hồng Đức, ĐH Sư phạm Thái Nguyên được khảo sát cho biết từ đầu năm học 2021-2022 đến nay đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.  

Hôm nay (7/12), Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UNWOMEN) và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Giảng đường an toàn”.

Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý chương trình, UN Women nhấn mạnh: “Bạo lực giới là thực trạng hiện diện ở mọi nơi và xảy ra với mọi cá nhân không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Bạo lực giới tại trường học và khuôn viên trường đại học bao gồm quấy rối tình dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý của người bị bạo lực mà còn ảnh hưởng tới chất lượng nền giáo dục, nguồn nhân lực và kinh tế của quốc gia".

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA chia sẻ: “Các quy định, chính sách của một trường Đại học, một Bộ hay một ngành cũng phải theo kịp với những khát vọng thay đổi đầy tính nhân văn và tiến bộ này của người trẻ. Chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để một/nhiều thế hệ trí thức trẻ, người Việt trẻ có thể tự tin xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và mạnh mẽ trong thế giới rộng lớn với những đòi hỏi ngày càng tinh tế và nghiêm khắc”.

Tham luận tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng khoa Khoa Tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có số liệu thống kê về tỉ lệ và mức độ các hình thức bạo lực với cán bộ, giảng viên và sinh viên, sinh viên nữ trong các trường đại học để so sánh với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, qua khảo sát từ tháng 2/2022-6/2022 nhóm nghiên cứu ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện tại 3 trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Hồng Đức, ĐH Sư phạm Thái Nguyên với 1809 mẫu khảo sát cho thấy, kể từ đầu năm học (năm học 2021-2022) có 944 sinh viên (chiếm 51.8%) ở cả 3 trường đại học được khảo sát đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.  

Bên cạnh đó, có 30.2% cán bộ, giảng viên (105/350 cán bộ, giảng viên) ở cả 3 trường đã từng trải nghiệm ít nhất một trong các hành vi quấy rối tình dục, chiếm 1/3 số lượng cán bộ, giảng viên được khảo sát.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 68.8% nạn nhân bị quấy rối tình dục còn e dè, lo sợ tiết lộ câu chuyện riêng tư của mình và đặc biệt các em lo sợ mình sẽ bị đánh giá là nguyên nhân gây nên sự việc. 50% nạn nhân lo lắng người mà các em tố cáo hoặc những người khác có thể phát hiện ra và làm điều gì đó để trả thù hoặc lo sợ mọi người sẽ không giữ bí mật cho các em.

Tại cổng bình luận online “Vì sao người bị bạo lực tình dục không lên tiếng?” nhiều ý kiến cho biết: “Người bị bạo lực sợ trở thành trung tâm của sự chú ý, sợ những người xung quanh không đứng ra để giúp đỡ mình, sợ bị đe dọa đến tính mạng, không đủ can đảm để lên tiếng, nghĩ rằng đó là "chuyện nhỏ" nếu có báo cho chính quyền cũng khó được giải quyết”. “Sợ bản thân trở thành chủ đề bàn tán của mọi người, càng nhiều người biết thì câu chuyện càng bị thổi phồng”. “Đa phần những người phụ nữ bị bạo lực lại không lên tiếng, bởi qua nhiều câu chuyện, lại tồn tại những người luôn chỉ trích những người phụ nữ đó không biết giữ an toàn cho chính mình.

Đưa nội dung về bình đẳng giới vào chương trình học từ trung học đến đại học

Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần tạo điều kiện, hỗ trợ và hợp tác với các trường ĐH để đẩy mạnh chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và hạn chế bạo lực trên cơ sở giới trong trường học, nhằm tạo tiền đề xây dựng môi trường học đường an toàn, không bạo lực cho sinh viên và cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó nên cân nhắc đưa nội dung giảng dạy về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vào trường học thống nhất từ cấp trung học đến đại học. Ban hành các quy tắc ứng xử hướng tới bảo vệ những sinh viên, cán bộ, giảng viên bị bạo lực trong trường đại học cũng như tập trung xây dựng, thích ứng các chương trình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới cho sinh viên.

Với các trường đại học cũng cần có kế hoạch và tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, seminar, talkshow sinh viên để nâng cao hiểu biết về bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng như các loại bạo lực, và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực. Các trường đại học cũng cần có phòng tham vấn tâm lí nhằm hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho sinh viên và cán bộ trong trường; Nên ban hành các qui tắc ứng xử và cả qui trình tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực, nhất là bạo lực tình dục trong sinh viên và cán bộ giảng viên để sinh viên chủ động, tự tin khi báo cáo các ca bạo lực tình dục khi là người chứng kiến hoặc bị bạo lực. Đặc biệt các trường cần có chế độ khen thưởng, ghi nhận những đóng góp của cán bộ, giảng viên đã dành thời gian hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên, cán bộ đã từng trải qua bạo lực; lắp camera ở khu vực không an toàn để có bảo vệ thường xuyên.

“Đặc biệt với các cán bộ, giảng viên, cần cao hiểu biết, trách nhiệm của bản thân trong việc hỗ trợ sinh viên, đồng nghiệp bị bạo lực như báo cáo, tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ. Cán bộ, giảng viên nên ủng hộ sinh viên và đồng nghiệp thực hiện các chiến dịch, hoạt động chống bạo lực phụ nữ để xây dựng môi trường làm việc, khuôn viên trường đại học không có bất kì hình thức bạo lực nào. Các em sinh viên cũng nên nâng cao nhận thức của bản thân về các hình thức bạo lực, hệ quả và địa chỉ cần thiết nếu bị bạo lực; lên án, bảo vệ người bị bạo lực và không khoan nhượng với bất kì hình thức bạo lực nào với bạn bè, người thân. Đặc biệt, cần chủ động tìm kiếm, kết nối với các nguồn lực bên ngoài để bảo vệ bản thân, hỗ trợ bạn bè bị bạo lực", PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ quy tắc về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Liệu đã phù hợp?
Bộ quy tắc về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Liệu đã phù hợp?

VOV.VN - Việc xây dựng Bộ quy tắc về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi công sở là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những quy định trong Bộ quy tắc ứng xử thiếu thực tế, thiếu tính khả thi. Vậy câu chuyện này nên được nhìn nhận như thế nào?

Bộ quy tắc về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Liệu đã phù hợp?

Bộ quy tắc về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Liệu đã phù hợp?

VOV.VN - Việc xây dựng Bộ quy tắc về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi công sở là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những quy định trong Bộ quy tắc ứng xử thiếu thực tế, thiếu tính khả thi. Vậy câu chuyện này nên được nhìn nhận như thế nào?

Đừng đẩy nạn nhân bị quấy rối tình dục đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi
Đừng đẩy nạn nhân bị quấy rối tình dục đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi

VOV.VN - Trải nghiệm bị quấy rối, bị xâm hại tình dục cực kỳ tồi tệ, nhưng có lẽ không đáng sợ bằng sự đổ lỗi của dư luận. Khi nạn nhân bị QRTD lên tiếng, họ rất cần sự ủng hộ của người thân, sự đồng cảm, chia sẻ của dư luận xã hội.

Đừng đẩy nạn nhân bị quấy rối tình dục đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi

Đừng đẩy nạn nhân bị quấy rối tình dục đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi

VOV.VN - Trải nghiệm bị quấy rối, bị xâm hại tình dục cực kỳ tồi tệ, nhưng có lẽ không đáng sợ bằng sự đổ lỗi của dư luận. Khi nạn nhân bị QRTD lên tiếng, họ rất cần sự ủng hộ của người thân, sự đồng cảm, chia sẻ của dư luận xã hội.

Bị quấy rối tình dục: Đối phó thế nào?
Bị quấy rối tình dục: Đối phó thế nào?

VOV.VN - Khi bị quấy rối tình dục, không phải ai cũng đủ kiến thức, lý trí để tìm được cách xử lý cũng như kêu gọi sự trợ giúp từ người khác.

Bị quấy rối tình dục: Đối phó thế nào?

Bị quấy rối tình dục: Đối phó thế nào?

VOV.VN - Khi bị quấy rối tình dục, không phải ai cũng đủ kiến thức, lý trí để tìm được cách xử lý cũng như kêu gọi sự trợ giúp từ người khác.