570 ngày hãi hùng trong tay cướp biển Somalia
Trở về nước ngày 24/7 sau 18 tháng bị cướp biển Somalia bắt cóc, 12 thuyền viên Việt Nam còn nguyên ký ức hãi hùng mà có lúc có những tên cướp biển nhí mới chỉ 9-10 tuổi cầm súng chĩa vào khiến ai cũng phải kinh sợ.
- 12 thuyền viên bị bắt cóc đã về sân bay Nội Bài
- Hình ảnh ngày sum họp của 12 thuyền viên bị bắt cóc
- Thuyền viên Việt Nam bị hải tặc bắt lên máy bay về nước
15h50 chiều 24/7, 12 thuyền viên Việt Nam bị cướp biển bắt cóc đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) trong niềm vui vỡ oà của người thân, gia đình. Các thuyền viên này đã có 18 tháng trong tay cướp biển, sống trong địa ngục trần gian.
Đón các thuyền viên trở về |
12 thuyền viên người Việt Nam (đều ở Nghệ An, Hà Tĩnh) và 14 người Trung Quốc đều làm việc trên tàu FV Shiuh Fu No1 bị hải tặc Somalia bắt cóc vào ngày 25/12/2010.
Ngay khi xuống sân bay, các thuyền viên nhanh chóng được công ty đưa ra xe về ngay công ty để làm thủ tục rồi cho thuyền viên về quê. Phải có cách tiếp cận đặc biệt, phóng viên Báo Người Lao động mới nghe được trực tiếp các thuyền viên miêu tả lại hành trình bị cướp biển đầy kinh hoàng của mình.
Thuyền viên Trần Văn Hùng (SN 1987, quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An) kể lại, sau khi bị 2 canô chở đầy cướp biển lăm le súng ống trên tay khống chế, các thuyền viên đã tìm cách bỏ trốn song không kịp. Cướp biển ập lên tàu, khống chế mọi người, cắt đứt mọi liên lạc, thu giữ vũ khí rồi giam tất cả dưới boong tàu.
Khi phát hiện ở khoang thuyền trưởng vẫn còn giấu 2 khẩu súng, bọn cướp biển lập tức trói ngược tay, chân tất cả thuyền viên, bó lại kéo căng người lên 30-40 phút khiến không ai còn chút máu mặt. Lúc cởi trói thì không ai đủ sức đứng dậy nữa.
Sau khi bị khống chế, chúng tiếp tục dong thuyền đi “nhử” các tàu khác để cướp. 15 ngày chỉ cướp được một tàu hỏng máy, chúng lại trở về một vịnh để neo đậu mấy ngày rồi tiếp tục dồn tất cả thuyền viên lên tàu, tống xuống hầm tàu rồi bắt đầu lênh đênh một hành trình cướp bóc khác.
Những thuyền viên này ở dưới tầng hầm, làm phục dịch, kéo canô cho cướp biển trong vòng 10 tháng. Trong thời gian này, thỉnh thoảng chúng bắt thuyền viên gọi điện về bắt người nhà phải lên các công ty để yêu cầu sớm nộp tiền chuộc.
“Có lần để bắt gọi điện về đòi tiền chuộc, chúng trói thuyền trưởng theo cách trói ngoặt hết chân, tay vào nhau, kéo căng ra khiến máu không thể lưu thông được. Thuyền trưởng phải đập đầu xuống sàn để máu chảy ra, chúng thấy thế mới thả ra và bắt gọi điện về nhà” – thuyền viên Hải kinh hoàng nhớ lại.
Sau 10 tháng lênh đênh trên biển, bọn cướp lại đưa tàu quay về vịnh. Tại đây, chúng dồn tất cả lên một căn lều mái tôn rồi bắt tháo dỡ mọi thứ trên tàu. Từ đây, các thuyền viên Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu vào một cuộc đầy đoạ mới, là địa ngục trần gian.
Còn nghẹn ngào hồi tưởng, thuyền viên Lưu Đình Hùng (SN 1990, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho hay, tất cả bị chúng “chăn như chăn dê”, lúc nào cũng có nhiều toán người với súng ống lăm lăm trên tay. “Ở đây là vùng đất của cướp biển nên trẻ con cũng là cướp biển nhí. Những đứa con của cướp biển chỉ khoảng 9- 10 tuổi cũng cầm súng dí vào đầu thuyền viên, bắt làm gì bọn tôi cũng phải làm” - thuyền viên Hùng kể.
Vùng đất mà các thuyền viên bị bọn cướp canh giữ như vùng hoang mạc, hoang hóa, gió lúc nào cũng to kèm theo đất cát. Các thuyền viên chỉ được 3-4 kg gạo một ngày để nấu ăn. Cơm nấu xong lúc nào cũng có màu đất, còn nước ngọt, chúng mang đến thì có mùi của phân dê. Đã thế, uống xong ai cũng bị đi ngoài khiến sức lực cạn kiệt nhanh chóng.
Vùng đất này lại quanh năm nắng nóng, người mệt nên chỉ cần ra ngoài là mọi người đã muốn quỵ xuống. Các thuyền viên phải dầm mưa, dầm nắng dưới các khóm cây chứ không có nhà ở nên sinh bệnh, sinh tật. Bệnh phải nặng lắm chúng mới cho uống kháng sinh, còn ốm nhẹ thì mặc kệ.
Việc vệ sinh cũng rất khổ, mỗi khi ai đó muốn đi phải xin phép chúng và đi rất hạn chế. Đã thế, mọi người lại không có nước tắm, không có nước sinh hoạt nên 2-3 tháng mới được tắm một lần. Tất cả đều mắc bệnh ngoài da, nặng có, nhẹ có.
“Đã thế muỗi độc cắn, các con côn trùng cứ chực chờ để tấn công. Có lần tôi bị con muỗi cắn, thành cục máu, nặn ra có cả một con dòi to như ngón tay út mà kinh hoàng” - thuyền viên Nguyễn Văn Tâm (SN 1990, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhớ lại.
Ba tháng gần nhất trước khi được giải cứu, tất cả thuyền viên bị lùa đến một gốc cây lớn rồi chúng cắm cành cây khoanh vùng, không được ai ra khỏi vòng cấm. Chúng phân thành các toán đứng canh gác nghiêm ngặt.
Khi máy bay rải tiền chuộc xuống biển chúng mới thả cho thuyền viên đi dọc bãi biển cách khu vực của bọn chúng vài km, để 2 canô cho ra tàu của Trung Quốc (vì sợ bị tấn công). Tuy nhiên, ca nô hỏng nên chúng đã để cho máy bay của Trung Quốc đón các thuỷ thủ lên rồi trở về tàu chiến của Trung Quốc về bờ an toàn./.