60 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức ngày trở về
VOV.VN -Dù đã trải qua 60 năm nhưng ký ức những ngày đáng nhớ này vẫn đậm nét trong lòng quân và dân Thủ đô.
Ngày 10/10/1954 ghi mốc son trong lịch sử của cả nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng, đánh dấu kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Còn đối với thế hệ những người lính đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô và người dân Hà Nội thì ngày 10/10/1954 thực sự là ngày trở về lịch sử, Hà Nội bước sang một trang mới. Dù đã trải qua 60 năm nhưng ký ức những ngày đáng nhớ này vẫn đậm nét trong lòng quân và dân Thủ đô.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đúng theo Hiệp định Geneva, Pháp phải rút quân khỏi Hà Nội và các thành phố của Việt Nam. Ngày 10/10, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu trong Đại đoàn quân Tiên phong 308 tiếp quản Thủ đô. Đối với mỗi chiến sỹ của Trung đoàn, 9 năm kháng chiến, tạm xa Hà Nội là để hẹn một ngày trở về vinh quang tại nơi đã khai sinh ra một Trung đoàn anh hùng. Đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô và tiến hành những công việc đầu tiên của thời kỳ quân quản đó là bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định đời sống, sản xuất ở Thủ đô, tuyên truyền tránh để nhân dân bị lôi kéo, xúi giục…
Ông Lê Văn Tính, nguyên chiến sỹ liên lạc Trung đoàn Thủ đô nhớ như in ngày 10/10 khi may mắn còn sống để đứng trong hàng quân tiến về tiếp quản Thủ đô từ ô Cầu Giấy. Trở về với tư thế của người chiến thắng và sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống theo phương án được phổ biến, nhưng thực dân Pháp đã rút lui trong im lặng. Vì vậy ngày trở về đã vỡ òa niềm vui trọn vẹn, người dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân như đón con em mình.
Trong đoàn quân trở về, có không ít chiến sỹ của Trung đoàn Thủ đô được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vì vậy ngày tiếp quản là ngày về nơi chôn rau cắt rốn. Ông Nguyễn Trọng Hàm, nguyên chiến sỹ trung đoàn Thủ đô nay đã ngoài 90 tuổi cho biết: sau 9 năm đằng đẵng kháng chiến, không một tin tức của gia đình, ngày về tiếp quản Thủ đô ông mới được gặp lại bố mẹ, anh chị em. Sinh ra và lớn lên ở phố Phùng Hưng, Hà Nội trước khi tham gia Trung đoàn Thủ đô, ông là tự vệ thành, công nhân phố Hàng Thiếc.
Ông cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia trận đánh ác liệt 60 ngày đêm bảo vệ cơ quan đầu não chỉ huy kháng chiến rút lên chiến khu an toàn, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch…Ông Nguyễn Trọng Hàm là một trong những người đầu tiên về tiếp quản Thủ đô ngay từ ngày 7/10 với tư cách là phái viên Bộ tổng tham mưu để triển khai kế hoạch bàn giao và theo dõi tình hình, vì vậy ông cũng là người được trực tiếp chứng kiến giờ phút lịch sử khi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. “16 giờ 30 chiều 9/10/1954, toán lính cuối cùng của Pháp rời khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm. Hà Nội bừng lên không khí náo nhiệt, khác hẳn, cờ hoa khẩu hiệu tất cả mọi nơi đều trang hoàng được xây dựng các cổng chào từ các ngõ ngách chứ không phải chỉ ở phố lớn.”
Là một trong những chiến sỹ trẻ nhất của Trung đoàn 58 thuộc Trung đoàn Thủ đô, ông Vũ Ngọc Diệp khi đó mới 16 tuổi, vốn sinh ra và lớn lên ở phố Sinh Từ, Hà Nội, sớm tham gia kháng chiến, ông mong mỏi từng ngày được trở về trong chiến thắng. Không thể diễn tả hết niềm vui khi được tham gia cánh quân tiếp quản từ hướng Nam Hà thành, ông Vũ Ngọc Diệp nhớ rành rẽ từng chi tiết: "Sáng mùng 10, cả đoàn hành quân dọc đường Bạch Mai, lên phố Huế, Bờ Hồ, Trung đoàn 58 được giao nhiệm vụ tiếp quản dọc bờ sông Hồng từ cầu Long Biên về đến Nhà hát lớn. Vào tiếp quản Hà Nội lại về đúng quê cũ, trong lòng rất vui sướng, nhưng cũng hơi tò mò, không biết sau 9 năm kháng chiến Hà Nội có gì thay đổi.”
Ngày giải phóng Thủ đô trong lòng quân và dân Hà Nội là một kỷ niệm đẹp về tình quân dân cá nước, gắn bó máu thịt. Kể từ ngày 10/10 năm ấy Hà Nội đã thực sự bước sang một trang sử mới của quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến ./.