60 TNXP Đại đội 915 cùng hy sinh: Khúc tráng ca bất tử giữa lòng thành phố thép
VOV.VN - Năm 1972, vào đúng đêm Noel, 60 thanh niên xung phong Đại đội 915 đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ sửa đường tại Thái Nguyên. Nhiều người trong số họ chỉ 17,18 tuổi
Đại đội 915 được thành lập vào tháng 6-1972, thuộc Đội thanh niên xung phong 91 Bắc Thái, bao gồm 102 cán bộ, đội viên, hầu hết ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chưa lập gia đình, là con em đồng bào dân tộc thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đơn vị có nhiệm vụ sửa chữa các tuyến đường ở Thái Nguyên bị hỏng hóc bởi bom mìn chiến tranh, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ chiến đấu ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh bị máy bay Mỹ đánh và vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa do các nước anh em viện trợ qua ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên để đưa vào chiến trường miền Nam.
Khi Mỹ mở chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 cuối tháng 12-1972, tại ga Lưu Xá còn tồn đọng hàng vạn tấn hàng hóa quốc phòng đang rất cần cho chiến trường.
Sáng 24/12/1972, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 lên hiện trường, hối hả chạy đua với thời gian, đến chiều tối cùng ngày số hàng hóa được giải tỏa an toàn.
Chiều hôm đó, khi họ còn chưa kịp ăn bữa cơm chiều thì pháo đài bay B52 với trận ném bom tàn khốc đã vùi nát thành phố Thái Nguyên, cướp đi hơn 200 sinh mạng, trong đó có 60 thanh niên xung phong Đại đội 915 và 2 thủ kho lương thực.
Loạt bom rơi vào mấy căn hầm ở khu vực cán bộ, đội viên Đại đội 915 trú ẩn. Các anh chị, người thì hy sinh vì trúng bom, người thì vì bị vùi lấp, ngạt thở.
Trong số những đội viên Đại đội 915 bị thương đêm 24/12/1972 và sốt sót, có đội viên Bùi Thị Loan là trường hợp hi hữu nhất. Sau khi đào bới và đưa chị ra khỏi đống bê tông đổ nát, mọi người thấy chị đã ngừng thở nên nghĩ rằng đã hy sinh và chuyển vào khu Nghĩa trang Dốc Lim để tắm rửa, khâm liệm, mai táng. Nhưng khi đồng đội tắm rửa cho chị thì phát hiện môi chị còn động đậy, liền đưa đi cấp cứu...
Các chị, các anh mãi mãi ra đi khi tuổi đời đang tươi trẻ, với bao ước mơ và khát vọng còn dang dở. Nhân dân địa phương đã xây dựng Nhà Tưởng niệm, lập bia để lưu danh truyền thống./.
Di tích địa điểm hy sinh của các liệt sĩ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia.