600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã: Trải lòng của nữ "quan xã" 22 tuổi

Với một môi trường sống hoàn toàn mới, thậm chí khắc nghiệt, liệu Mai và các bạn trẻ có đủ nhiệt huyết để thích nghi?

Hà Thị Mai là một trong 44 bạn trẻ nhận nhiệm vụ về làm Phó Chủ tịch xã ở các xã vùng khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Mai được nhận nhiệm vụ tại xã vùng cao Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.

Trước khi đến nơi đây, Mai cũng đã được Ban quản lý dự án “600 trí thức trẻ tăng cường về làm phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước” bồi dưỡng các kiến thức về quản lý trong vòng 2 tháng. Từ ngày 1/3, Mai cùng các bạn trẻ chính thức nhận nhiệm vụ ở nhiều xã khó khăn trong cả nước.

Với Mai, sau gần một tháng trải nghiệm có khá nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng đầy thú vị, mà Mai cho rằng “đây sẽ là điểm xuất phát đầy ý nghĩa đối với hành trình tiếp theo của em. Vượt qua được “xuất phát điểm” này, sẽ chẳng còn gì là trở ngại đối với em”.

Mai kể, khi nhận quyết định về làm Phó Chủ tịch xã vùng cao Hồng Sỹ, em mừng nhiều nhưng lo lắng cũng không kém. Mặc dù trước khi tham gia dự tuyển, Mai đã xác định là sẽ theo đuổi đến cùng con đường đã chọn. Mai quyết định “khăn gói” lên xã Hồng Sỹ trước khi nhận nhiệm vụ vài ngày để chuẩn bị tinh thần.

“Vì khu nhà của UBND xã đang sửa chữa lại nên hiện giờ em vẫn chưa có chỗ ở ổn định. Xã bố trí cho em ở tạm tại Trạm y tế xã. Ở đây cũng có một vài chị thay phiên nhau trực, ở lại đêm cùng em. Nhưng cũng có hôm không có ai, em ở lại một mình. Lúc đầu em khá hoảng hốt, sợ hãi. Cả một khu đất rộng như thế chẳng có ai, nhà dân thì lại ở khá xa, có khi đi bộ cả tiếng, đường toàn dốc núi mới đến được. Dù đã tự lên dây cót tinh thần, tự trấn an mình, nhưng nhiều lúc em vẫn không xua được nỗi sợ hãi. Nhưng đến nay, em đã khá ổn, dù đôi lúc vẫn… sợ”- Mai tâm sự.

Những ngày đầu lên xã vùng cao này, thời tiết khá lạnh, có hôm xuống đến 6-7 độ C, buổi sáng lại nhiều sương mù nên dù là một cô gái miền sơn cước, nhưng Mai vẫn bị đau ốm liên miên. “Nhưng đó chỉ là chuyện bình thường, dần dần em sẽ quen thôi. Đây có lẽ cũng là nơi rèn luyện sức khỏe tốt nhất, khi thích nghi với thời tiết ở đây, có đi đâu em cũng không lo cho sức khỏe của mình nữa”.

Cuộc sống sinh họat của Mai cũng khác xa so với thời sinh viên. Muốn đi mua lương thực, thực phẩm phải chờ đến phiên chợ (5 ngày mở một lần) ở một xã khác. Từ nơi ở xuống đến chợ khoảng 10 cây số, nhưng đường đi toàn dốc đá, đồi núi nên mỗi khi xuống chợ cũng mất khá nhiều thời gian.

Mai nói rằng, khó khăn về nơi ở, thời tiết chỉ là điều kiện “khách quan”, còn ngày đầu mới đến đây, Mai lo lắng thực sự về công việc, về những cuộc tiếp xúc sắp tới với bà con. Một cô sinh viên mới tốt nghiệp Đại học như Mai (Mai học khoa Tâm lý Giáo dục, trường Đại học Thái Nguyên), chưa có điều kiện tiếp xúc với thực tế càng khiến Mai lo lắng.

“Khi em mới về đây, còn nhiều bỡ ngỡ, em không hiểu cán bộ xã và người dân nơi đây sẽ đối xử với mình như thế nào. Nhất là một nơi phần lớn bà con là đồng bào người dân tộc (dân tộc Mông và Nùng). Nhưng khi nhận nhiệm vụ và tiếp xúc với các anh, chị cán bộ xã, em đã bớt lo lắng. Nhiều người còn khá trẻ, anh Chủ tịch xã sinh năm 1983, nên họ làm việc xông xáo, dân chủ và tạo nhiều điều kiện cho em. Em được xuống địa bàn tiếp xúc với bà con các thôn, bản. Đường xuống bản cũng khá khó khăn, chỉ có một nửa xã là có đường giao thông đến nơi, còn lại là phải đi bộ. Đường toàn dốc, lại nhiều đá và cheo leo nên có xóm, em phải đi cả tiếng mới đến nơi. Bà con nơi nào cũng rất niềm nở, làm em quên lo lắng và mệt mỏi”- Mai phấn khởi.

Mai cho biết, dù đã có một ít vốn về tiếng dân tộc, nhưng khi tiếp xúc với bà con, họ nói bằng tiếng bản ngữ, nhiều khi Mai phải nhờ phiên dịch: “Em sẽ cố gắng khắc phục bằng cách học hỏi thêm các anh chị và tiếp xúc thêm với bà con. Em nghĩ để làm tốt được nhiệm vụ trước tiên phải hiểu được bà con. Nhất định em sẽ làm được điều này”.

Trong thời gian đầu lên đây nhận nhiệm vụ, việc làm đầu tiên là Mai nghiên cứu các văn bản, các kế hoạch phát triển kinh tế của xã, thời gian còn lại là tiếp xúc với bà con. Mai tâm sự rất thật rằng, hiện tại mọi thứ đối với Mai vẫn còn khá mới mẻ, kể cả việc định hình công việc sắp tới của mình. Vì thế em sẽ tìm hiểu thật kỹ mọi công việc, cuộc sống cũng như phong tục tập quán của bà con, trên cơ sở đó có những đóng góp, đề xuất cho phát triển kinh tế, giúp giảm bớt khó khăn cho người dân nơi đây.

Khi được hỏi vì sao không chọn một công việc nhẹ nhàng, phù hợp hơn đối với  phụ nữ, như ở thành phố, thị xã, Mai tỏ ra khá chín chắn: “Thực sự em cũng có cơ hội để những công việc như thế, nhưng em nghĩ kỹ rồi. Làm việc ở thành phố có thuận lợi hơn, nhưng mà lại “thiệt thòi” là không có điều kiện được thử sức mình, không được trải nghiệm thực tế nhiều như ở đây. Nếu không nắm lấy cơ hội khi còn trẻ để thử sức mình, thì sẽ chẳng còn lúc nào. Quê em còn nghèo lắm, nhiều em bé còn chưa được đến trường, em muốn đóng góp sức trẻ của mình để phát triển kinh tế-xã hội của quê nhà”.

Khi tôi đùa rằng, liệu chặng đường 5 năm có là khá dài đối với một người con gái, nhất lại là ở vùng cao, nhiều nơi vẫn nặng quan niệm “quá lứa lỡ thì”, thì Mai lại tếu táo đùa lại: “Nếu nghĩ như thế thì em lại chẳng có mặt ở đây vào lúc này. Trong em giờ chỉ có nhiệt huyết được làm việc, được cống hiến, dù khó khăn mấy em cũng sẽ cố gắng. 5 năm trải nghiệm sẽ cho em nhiều kinh nghiệm, và đó sẽ là quãng thời gian quý nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời em”.

Năm năm không phải là quá dài nhưng cũng sẽ có không ít khó khăn, thử thách đang chờ đợi 600 trí thức trẻ, nhất là với những bạn nữ như Mai. Nhưng sự nhiệt huyết cùng với những hành trang kiến thức mà các em đang có, mọi người luôn dõi theo, cổ vũ và hy vọng rằng, các em sẽ thực hiện được ước mơ đầy ý nghĩa của mình, đồng thời đạt được mục tiêu mà dự án đã đề ra là hỗ trợ các huyện nghèo trong cả nước giảm nghèo nhanh và bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên