60,7% người nhiễm HIV/AIDS chưa được vay vốn
60,7% tỉ lệ người nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV chưa được vay vốn do tâm lý tự kỳ thị và những rào cản trong việc tiếp cận nguồn tín dụng.
Ngày 29/2, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển (Cohed) phối hợp với quỹ Irish Aid tổ chức hội thảo “Khảo sát khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng sẵn có ở địa phương của người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS".
Hội thảo đã công bố kết quả khảo sát nhu cầu và đánh giá thực trạng đáp ứng nhu cầu về tiếp cận vay vốn tín dụng của người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Cohed tiến hành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.
Ở Việt Nam hiện có hơn 80% số người bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong độ tuổi lao động từ 20-39 tuổi. Do đó, họ thường có nhu cầu rất cao được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để tạo dựng việc làm, có một cuộc sống tích cực, lạc quan hơn, vượt qua sự kỳ thị của xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh, vẫn có rất nhiều rào cản khiến việc tiếp cận nguồn vốn này còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi như nguồn vốn đến từ các NHCSXH.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách giúp người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từng bước chữa bệnh và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được xếp vào nhóm những người yếu thế do họ gặp phải những vấn đề về sức khỏe, nghề nghiệp, thu nhập… Do đó, để họ thực sự sống và làm việc, hòa nhập, tiếp cận đầy đủ nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như những người bình thường vẫn là một thách thức lớn.
Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH |
Kết quả khảo sát do Cohed tiến hành và công bố cũng chứng minh, nhu cầu vay vốn của người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là rất cao. Trong 399 mẫu khảo sát, có tới 72,4% có nhu cầu vay vốn. Hai nguồn vốn lớn nhất mà họ chọn chính là từ nguồn tín dụng của các dự án và của Ngân hàng Chính sách xã hội. Về thực trạng vay vốn, có tới 79,2% không biết thông tin về nguồn vốn của NHCSXH. Tiếp đó, trong số 399 mẫu, có tới 60,7 % chưa được vay vốn; 57,5% chưa từng làm thủ tục vay vốn.
Một trong những nguyên nhân mà người nhiễm HIV/AIDS chưa được vay vốn chính là tâm lý tự kỳ thị của người nhiễm, họ tự cho rằng, vì mình là người nhiễm nên rất khó vay vốn, khiến họ không muốn vay và thậm chí không muốn tiếp cận.
Một trong những giải pháp được đưa ra là tạo việc làm và thu nhập cho những người nhiễm HIV. Tuy nhiên, chúng ta không có chính sách tiếp cận nguồn vốn đặc thù với họ, trong khi vốn ưu đãi từ các ngân hàng chính sách thường áp dụng với hộ nghèo. Thêm vào, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn rất ái ngại khi tiếp nhận những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vào làm việc. Với những người này, họ phải tự kiếm sống, tự tổ chức việc làm cho bản thân và gia đình. Do đó, vay vốn tín dụng là giải pháp thiết thực và quan trọng.
Đồng quan điểm, ông Garvan McCann – Phó đại sứ nước CH Ailen, Giám đốc Quỹ Irish Aid cho biết, việc giúp người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận các nguồn vốn tín dụng vĩ mô là biện pháp giúp giảm nguy cơ rủi ro bị tác động và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Việc làm này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Các tổ chức tín dụng điều kiện thuận lợi cho cuộc sống những người bị nhiễm, còn họ sẽ có điều kiện đóng góp vào sự phát triển xã hội.
Trung tâm Cohed kiến nghị cần có những khung pháp lý cụ thể nhằm tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chính phủ cho người nhiễm HIV; có các chương trình xây dựng năng lực trong việc phát triển sinh kế tạo thu nhập bền vững.
Anh Lê Đình Thái, đại diện chi nhánh NHCSXH Hải Phòng cũng cho rằng, cần có một cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp. Chính phủ nên giành nguồn vốn và tập trung cho vay qua một đầu mối để tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo trong quá trình thực hiện./.