Ai chịu trách nhiệm về nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn
VOV.VN - Theo Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, nguồn phóng xạ vừa phát hiện bị thất lạc tại Bắc Kạn có thể bị ăn trộm, khả năng tìm thấy rất thấp.
Phóng viên Đài TNVN đã có trao đổi với ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân về trách nhiệm khi nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn thất lạc và trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ trong vấn đề an toàn bức xạ hạt nhân.
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân trả lời phỏng vấn vụ mất nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn. |
PV: Thưa ông, về việc thất lạc nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những hành động gì và khả năng thu hồi được nguồn phóng xạ ra sao?
Ông Vương Hữu Tấn: Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi nhận được tin của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã cử ngay đoàn công tác có tôi trực tiếp lên làm việc với Sở, Công an tỉnh. Đi kèm có các chuyên gia và các thiết bị để hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Qua trao đổi với công an tỉnh, thì chưa biết thời điểm mất nguồn phóng xạ là khi nào, nên việc đi tìm rất khó. Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công điện gửi UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu phối hợp, tạo điều kiện cho đoàn công tác của Cục An toàn bức xạ hạt nhân hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời, thành lập ngay tổ công tác tổ chức tìm kiếm để thu hồi nguồn phóng xạ bị thất lạc, sau đó, có báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngay sau chuyến công tác, ngày 21/12/2015 tôi đã chuẩn bị công văn cho Bộ báo cáo lên Thủ tướng về sự cố này để có những chỉ đạo cần thiết. Nhất là làm sao hạn chế được việc để mất nguồn phóng xạ như mấy năm qua. Mặc dù Thủ tướng đã có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ, nhưng vẫn xảy ra sự cố thì lý do ở đâu, yếu chỗ nào thì phải làm rõ để khắc phục. Khi mất nguồn phóng xạ, thì khả năng thu hồi là không cao. Ngay ở quốc tế, năm 2013 có 137 nguồn phóng xạ bị mất mà chỉ thu hồi được 17 nguồn thôi.
PV: Là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn bức xạ, Cục An toàn bức xạ hạt nhân có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Ông Vương Hữu Tấn: Các cơ sở có nguồn phóng xạ đã qua sử dụng mà hiện nay không còn sử dụng nữa, nhưng nếu để cơ sở lưu giữ thì tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh nguồn phóng xạ. Trong Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu cơ sở chỉ được lưu giữ trong 3 năm thôi rồi chuyển về nơi lưu giữ tập trung. Hiện nay, nơi để lưu giữ tập trung đang còn khó khăn. Rất may, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa mới làm việc với Bộ Quốc phòng và đã thống nhất sử dụng các cơ sở của Bộ Tư lệnh hóa học để giúp lưu giữ các nguồn phóng xạ này. Đồng thời, Bộ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháng 12 vừa rồi và Thủ tướng đồng ý giao cho Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ làm kho lưu giữ số nguồn phóng xạ này. Dự kiến trong năm 2016 này, sẽ thu hồi toàn bộ số nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đặc biệt những nguồn ở các cơ sở không có điều kiện lưu giữ an toàn như Công ty xi măng Bắc Kạn, để tránh việc mất mát xảy ra. Dự kiến từ nay đến tháng 6 sẽ xong việc này.
PV: Vậy, trong trường hợp thất lạc nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
Ông Vương Hữu Tấn: Hiện nay đã có Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như hành vi sử dụng nguồn phóng xạ không có giấy phép, giấy phép hết hạn nhưng không xin cấp phép lại… sẽ bị phạt. Chúng tôi đang đợi tỉnh hoàn thành điều tra thì cùng phối hợp để xem xét các hành vi, căn cứ vào Nghị định để đưa ra mức phạt tương ứng.
Nếu cơ quan điều tra kết luận, nguồn phóng xạ mất trước ngày 31/3/2015 khi chưa phát mãi, chủ sở hữu vẫn là Công ty cổ phần xi-măng Bắc Kạn chịu trách nhiệm. Khi phát mãi, toàn bộ tài sản đó thuộc về Ngân hàng đầu tư phát triển thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Từ ngày 1/4/2016 sẽ thực hiện gắn chip định vị nguồn phóng xạ phục vụ công tác quản lý, thì nguồn phóng xạ loại này không phải lắp đặt định vị. Chỉ lắp đặt đối với các nguồn rất nguy hiểm khi nguồn phóng xạ tháo ra có thể gây chết người. Tức là những nguồn phóng xạ có hoạt độ rất cao, vài chục curie phóng xạ như nguồn phóng xạ dùng để chụp chiếu mất ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2014, nguồn đó là 70 curie. Nếu phá ra, người bị chiếu bị tai nạn nặng, thậm chí có thể chết luôn. Những nguồn nhỏ như Bắc Kạn thì chỉ bằng các biện pháp quản lý và nâng cao ý thức người sử dụng thôi.
PV: Là cơ quan quản lý vấn đề an toàn bức xạ hạt nhân, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung và Cục An toàn bức xạ hạt nhân nói riêng như thế nào khi vẫn xảy ra các vụ thất lạc các nguồn phóng xạ và dường như mật độ ngày càng tăng?
Ông Vương Hữu Tấn: Có thể nói, tất cả các văn bản quản lý an toàn bức xạ đã có hết nhưng họ có làm hay không. Bộ Khoa học và Công nghệ không thể đi hết các cơ sở để thanh tra, kiểm tra liên tục được, mà phải giao cho các Sở Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, nhà máy này thì Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn ngày 15/5/2015 đã đến tận nơi kiểm tra và lưu ý Ngân hàng đầu tư và phát triển chi nhánh Bắc Kạn tăng cường quản lý, không được di chuyển nguồn đi đâu trước khi có ý kiến của các cơ quan quản lý, nhưng họ vẫn không nhận thức được. Theo tôi, cần tăng cường tuyên truyền nhiều hơn nữa. Tổ chức hội nghị cho các chủ cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, người quản lý an toàn bức xạ. Nếu không làm tập trung thì phải đến từng địa phương tổ chức tập huấn cho người ta có nhận thức về vấn đề này. Nếu để mất nguồn phóng xạ thì rất nguy hiểm và trách nhiệm rất lớn. Thậm chí với những nguồn có hoạt độ lớn gây thương vong cho người khác, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không chỉ trách nhiệm dân sự thôi.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.