Áo trắng nơi đảo xa

Lý do đi đảo của các anh đơn giản, ngắn gọn, đó là nhiệm vụ, Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng.

2 bác sĩ, 5 y sĩ của đảo Nam Yết hiện nay đều là các y bác sĩ của Bệnh viện 103- Hà Nội. Dù đã công tác trên nhiều địa bàn, hiểm trở có, khó khăn có nhưng đây là lần đầu tiên các anh làm việc ở môi trường xung quanh chỉ có sóng biển.

Trung úy, y sĩ Trần Văn Thảo vẫn nhớ cảm giác khi vừa đặt chân lên đảo: “Đời sống của anh em còn nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, cuộc sống rất tình cảm. Cán bộ chiến sĩ đoàn kết như một gia đình”.

Còn với bác sĩ, Thiếu tá Lê Thanh Sơn, khó khăn thì ở đâu cũng có nhưng với những gì hiện có trên đảo quả là sự bất ngờ. “Đời sống trên đảo giờ đã cải thiện đáng kể so với thông tin mà chúng tôi đã tiếp nhận được từ những người công tác trước”.

Thiếu tá, bác sĩ Lê Thanh Sơn dẫn chứng, hiện nay đã có nguồn năng lượng sạch, điện có 24/24h, nguồn nước ngọt cơ bản cải thiện, đời sống văn hoá tinh thần được quan tâm. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, như khí hậu còn khắc nghiệt. “Nhưng với sự ủng hộ, giúp đỡ nhân dân cả nước và sự đồng lòng của các chiến sĩ, chúng tôi sẽ vượt qua được tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ” – bác sĩ Lê Thanh Sơn nói.

Mặc dù cả năm có khi không được phát huy hết khả năng chuyên môn, nhưng có y, bác sĩ giỏi trên đảo, cán bộ, chiến sĩ thấy yên tâm hơn rất nhiều. Trung uý Đoàn Phi Doãn, thuộc bộ phận Hậu Cần chia sẻ: “Các bác sĩ giỏi, điều trị chẩn đoán bệnh rất tốt, anh em chiến sĩ tin tưởng vào năng lực trình độ của y bác sĩ cũng như y đức nghề nghiệp. Điều đó khiến chúng tôi an tâm công tác”.

Cái khó khác là bác sĩ trên đảo phải hoạt động trong điều kiện độc lập, bất đắc dĩ mới cầu cứu đến đất liền nên một người phải làm việc bằng mấy người. Thông thường, một ca mổ có bác sĩ phụ trách chính và thêm một hoặc 2 bác sĩ phụ mổ nhưng tại đảo một người phải kiêm tất cả từ gây mê, trực tiếp mổ, rồi hồi sức cấp cứu…

Có 3 đảo lớn ở vùng quần đảo Trường Sa, quân y được nâng cấp thành bệnh xá đó là đảo Trường Sa lớn, đảo Nam Yết và đảo Song Tử Tây. Trang thiết bị y tế, nhân lực ở 3 đảo được đầu tư nhiều. Chính vì thế, theo bác sĩ Lê Thanh Sơn, bệnh xá của đảo cũng là nơi ngư dân đánh bắt cá khu vực này tìm đến khi bị nạn.

Những bệnh hay gặp của ngư dân là giảm áp. Bởi lặn sâu xuống nước lúc ngoi lên mặt nước không đúng quy trình gây tắc các mạch máu, có thể liệt nửa người, thậm chí tổn thương các cơ quan tim, phổi, não, thận, gan… Còn phần nhiều ngư dân tìm đến với những vết thương mềm hay gặp trong quá trình lao động.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Hồng cho biết, qua thông tin trên Đài TNVN, anh và nhiều người đi biển khác có thêm kiến thức về hải đảo, biết được khi gặp nạn nên tìm tới đâu. 20 năm đi biển thường chỉ vào các đảo xin thuốc cảm cúm, đau dạ dày nhưng đây là lần đầu tiên anh gặp nạn và được nằm điều trị trên đảo.

“Tôi đã được đưa vào đảo Tiên Lữ. Các y bác sĩ kiểm tra và cho biết là tôi bị dập xương, rồi chuyển sang đảo Sinh Tồn đông. Tiếp đó, tôi được chuyển qua Nam Yết để điều trị. Các bác sĩ ở đây đã giữ được ngón chân cho tôi. Tôi được các bác sĩ chăm sóc như anh em ruột, thậm chí còn cho chúng tôi áo mặc” – anh Nguyễn Ngọc Hồng kể lại.

Thực tế, ngoài việc trị bệnh cho quân dân, lực lượng quân y trên đảo còn rất nhiều nhiệm vụ khác, từ tổ chức phòng, chống bệnh, dịch, phân loại rác đến ngàn lẻ các công việc không tên khác.

Công việc cuốn trôi thời gian. Thấm thoát đã gần 1 năm. Thời gian công tác trên đảo của những người lính mặc áo trắng chỉ có vậy nhưng với các anh 1 năm sống trên đảo luôn đầy ắp kỷ niệm không thể quên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên