“Đất lửa” Phước Long không ngủ quên trên chiến thắng
VOV.VN -45 năm sau giải phóng, từ một vùng đất trong mưa bom bão đạn, hôm nay Phước Long đã đổi thay, trở thành nơi phát triển của tỉnh Bình Phước.
Sáng 6/1/1975, ngọn cờ cách mạng được cắm trên nóc Dinh Tỉnh trưởng Phước Long là bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ Chiến dịch mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 45 năm sau giải phóng, từ một vùng đất trong mưa bom bão đạn, hôm nay Phước Long đã đổi thay nhanh chóng, trở thành một địa phương phát triển của tỉnh Bình Phước.
Bộ đội tiến công giải phóng Phước Long năm 1975 (ảnh tư liệu). |
Về với thị xã Phước Long sau 45 năm giải phóng, bộ mặt của địa phương đã có nhiều thay đổi. Con đường ĐT 741 từ trung tâm thành phố Đồng Xoài về thị xã Phước Long được mở rộng, thẳng tắp. Những đường nhánh đi vào các xã, phường của thị xã cũng được bê tông hóa với nhà cửa san sát nhau. Gần Trung tâm hành chính của thị xã còn mọc lên các dự án khu đô thị hứa hẹn sẽ góp phần đưa Phước Long ngày càng khởi sắc. Phước Long còn xây dựng Trung tâm hành chính và khu đô thị mới với diện tích hơn 96ha, được được đánh giá là đô thị đẹp, hiện đại nhất tỉnh Bình Phước.
Ông Trương Duy Điểu (sinh năm 1950), nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long) chia sẻ, 45 năm trước ông từ Quảng Bình vào đây làm cán bộ nông nghiệp. Ông Điểu nhớ lại, lúc đó, ở đây rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp; sau chiến tranh cơ sở hạ tầng bị tàn phá, giao thông chủ yếu là đường đất sỏi đỏ; sản xuất chưa kịp khôi phục.
Trong khi đó, kinh tế thuần nông, phương thức sản xuất thô sơ, lạc hậu, nạn đói giáp hạt đe dọa đời sống của nhân dân. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Phước Long đã khẳng định vị thế của một đô thị đang trên đà phát triển.
Bảo tàng chiến dịch đường 14-Phước Long nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng với nhiều hiện vật trong chiến tranh. |
“Lúc đầu phải nói ở đây rất là khó khăn, nơi rừng thiên nước độc, sốt rét liên miên. Tuy vậy nhưng với sự phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, sự chỉ đạo rất tốt, trên dưới một lòng phấn đấu, phát triển kinh tế xã hội từ những khó khăn, đến nay phát triển hàng trăm lần so với thời giải phóng”, ông Trương Duy Điểu nhớ lại.
Xác định phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp là “bàn đạp”, những năm qua, thị xã Phước Long tập trung thực hiện một số chương trình trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và xây dựng nông thôn mới; phát triển vùng công nghiệp thành trung tâm của ngành chế biến hạt điều ở Bình Phước.
Trung tâm Hành chính Phước Long được xây dựng khang trang. |
Từ những mục tiêu chiến lược cụ thể, đến nay, nguồn thu ngân sách địa phương ngày một tăng nhanh, giai đoạn 2016-2020 hoàn thành và vượt kế hoạch tỉnh và Nghị quyết Đảng bộ thị xã giao từ 5% trở lên. Đến năm 2019, Phước Long có gần 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; thương mại dịch vụ có 4.200 cơ sở…
Ngoài kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm và có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, mạng lưới trường lớp hoàn thiện khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, học tập với 8/23 trường đạt chuẩn Quốc gia. Năm 2010, Phước Long chỉ đạt 5,13 bác sĩ/vạn dân thì đến nay đã tăng lên 9,1 bác sĩ/vạn dân, đi cùng chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.
Thị xã Phước Long xây dựng quảng trường, công viên lớn cho người dân có chỗ vui chơi. |
Tận dụng lợi thế sẵn có, Phước Long cũng đã “biến” ngọn núi “Thần” Bà Rá nơi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xây dựng đồn bốt, nhà tù thành một địa điểm tham quan du lịch sinh thái thu hút người dân du khách. Nơi đây, hàng năm còn diễn ra giải việt dã truyền thống vào ngày 6/1 không chỉ nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia mà còn là giải đấu mang tầm quốc tế thu hút nhiều vận động viên đến từ các quốc gia lân cận.
Nhiều công trình văn hóa, giải trí được xây dựng như: Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, Quảng trường 6/1, Bảo tàng lịch sử văn hóa Phước Long... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Chính sách người có công, an sinh xã hội cũng được thị xã thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm hàng năm và đến hết năm 2019 còn 0,48% trên tổng số dân địa bàn.
Núi Bà Rá sau kháng chiến là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Phước Long. |
Ông Phạm Thụy Luân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Phước Long cho biết, hiện Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đang phấn đấu đưa địa phương trở thành đô thị loại ba, từng bước tiến lên thành phố. Địa phương đang tập trung phát triển theo mô hình thị xã trung tâm phía Bắc của tỉnh Bình Phước.
“Chúng tôi phát triển Phước Long thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch và dịch vụ. Với định hướng như vậy chúng tôi tập trung chủ yếu mở rộng không gian kinh tế và đô thị của thị xã về các hướng, kể cả địa giới hành chính, về mặt quy hoạch đô thị. Đối với từng địa bàn có những giải pháp cụ thể”, ông Luân nói.
Tượng đài Phước Long chiến thắng là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thệ trẻ. |
Nhìn lại chặng đường 45 năm qua mới thấy vùng “đất lửa” này đã thực sự “không ngủ quên” trên chiến thắng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là địa bàn hết sức quan trọng của vùng Đông Nam bộ, là vị trí đặc biệt nhạy cảm trong hệ thống phòng thủ của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Vì vậy, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đi đến giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long là cơ sở thực tiễn, góp phần để Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam kịp thời và chính xác.
Giải phóng Phước Long cũng là trận đánh dài, ác liệt diễn ra từ ngày 21/12/1974 đến 6/1/1975. Trong chiến dịch này, lực lượng bộ đội chủ lực của Sư đoàn 7, gồm: Trung đoàn 141, 165, 201, 271 và Trung đoàn pháo binh 210 đã hy sinh rất nhiều.
Trung tá Võ Hữu Minh, nguyên Phó Tham mưu Sư đoàn 7 nhớ lại, sau nhiều ngày đêm tiến công, tỉnh Phước Long đã hoàn toàn giải phóng, mở toang cánh cửa miền Đông Nam bộ nối với Tây Nguyên, xuống Sài Gòn và Tây Nam bộ...
45 năm giải phóng miền Nam: Cửa ngõ Sài Gòn những ngày tháng 4 lịch sử
“Phước Long là một địa hình vô cùng hiểm trở. Quá trình diễn ra trên dưới 1 tuần, địch phản kích liên tục, bộ đội anh em ta hy sinh tương đối lớn. Trận đánh Phước Long bước đầu tiên bộ đội ta dám đánh vào một thị xã lớn của địch. Đây là một thành công lớn, vững vàng lớn về tư tưởng dám đánh địch ở nội đô, xào huyệt của Mỹ-Ngụy”, Trung tá Võ Hữu Minh kể lại.
Từ vùng chiến địa đầy rẫy bom mìn, 45 năm sau chiến tranh, Phước Long đã và đang vươn mình trỗi dậy, thay cho mình một chiếc áo mới với hình ảnh mới về sự phát triển mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, giàu đẹp và văn minh.
Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân địa phương đang nỗ lực viết tiếp những bài ca chiến thắng trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như câu hát “vượt qua sông Bé oai hùng, về Phước Long xây chiến thắng”, in sâu trong tâm trí của mọi người khi nhắc đến Phước Long./.