Australia tăng cường hỗ trợ Việt Nam thực thi chính sách bình đẳng giới
VOV.VN - Việt Nam đã hợp tác với nhiều quốc gia, đặc biệt là Australia trong thúc đẩy mục tiêu về bình đẳng giới và đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Thống kê cho thấy tỉ lệ nữ tham gia thị trường lao động hiện nay luôn ở mức ổn định, khoảng 48 đến 49%.
Bà Natasha Stott Despoja – Người sáng lập tổ chức Theo dõi của Chúng ta, nguyên Đại sứ Toàn cầu vì Phụ nữ và Trẻ em gái của Australia. |
Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017, Việt Nam đang đứng thứ 69 trên tổng số 144 nước tham gia xếp hạng về bình đẳng giới. Mặc dù hiện nay phụ nữ Việt Nam đã có vị trí quan trọng trong gia đình và cả xã hội, tuy nhiên bất bình đẳng giới vẫn tồn tại khá phố biến và là thách thức lớn, còn xảy ra nhiều vụ bạo lực hay xâm hại phụ nữ trẻ em, khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ vẫn khá chênh lệch.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã hợp tác với nhiều quốc gia, đặc biệt là Australia trong thúc đẩy mục tiêu về bình đẳng giới. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bà Natasha Stott Despoja – Người sáng lập tổ chức Theo dõi của Chúng ta, nguyên Đại sứ Toàn cầu vì Phụ nữ và Trẻ em gái của Australia.
PV: Được biết bà đã từng tới thăm Việt Nam nhiều lần. Bà có ấn tượng thế nào về sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới?
Bà Natasha Stott Despoja: Trước hết tôi rất vui khi được quay trở lại Việt Nam. Tôi từng tới đây với tư cách là quản trị gia, khách du lịch, Đại sứ toàn cầu vì Phụ nữ và Trẻ em gái của Australia. Tôi rất vui vì nhận thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ kinh tế, xã hội, và đặc biệt là về bình đẳng giới. Việt Nam và Australia không chỉ là bạn bè mà còn là đối tác hợp tác về các cơ hội bình đẳng và bền vững cho phụ nữ và trẻ em gái. Hôm nay tôi rất vui khi được trở lại một lần nữa hỗ trợ chương trình nhằm tối ưu hóa các cơ hội về bình đẳng giới, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải và cải cách kinh tế. Chúng tôi luôn mong muốn được chia sẻ với các bạn những câu chuyện và kinh nghiệm thực tiễn của chúng tôi trong xóa bỏ khoảng cách giới và trao quyền cho nữ giới.
PV: Bà có nhận định như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong thực hiện các chính sách chống bất bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em?
Bà Natasha Stott Despoja: Trên thực tế, không chỉ Việt Nam hay Australia mà nhiều quốc gia khác vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản to lớn về trao quyền lực kinh tế cho phụ nữ, xóa bỏ bạo lực giới tính, hay đưa tiếng nói phụ nữ vào trong quá trình hoạch định chính sách. Tại Việt Nam, việc thúc đẩy bình đẳng giới còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách còn chồng chéo, một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Giống như phụ nữ của nhiều nước trên thế giới, cường độ lao động, thời gian, hình thức lao động của phụ nữ Việt Nam còn chênh lệch với nam giới. Bên cạnh đó, việc duy trì một số hủ tục đã thách thức pháp luật và dư luận tiến bộ. Để giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức chính phủ và tư nhân.
Điều thuận lợi là Việt Nam có những nhà vận động chiến dịch bình đẳng giới rất tốt, rất nhiệt thành và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng có nhiều hoạt động thiết thực trong vận động và nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới. Và chỉ riêng điều này thôi cũng dẫn đến những thay đổi đáng kể trong trao quyền cho nữ giới.
PV: Xin bà cho biết những chương trình và kế hoạch của Australia trong việc hỗ trợ Việt Nam chống bất bình đẳng giới?
Bà Natasha Stott Despoja: Tôi cho rằng có sự đồng điệu rất lớn giữa Việt Nam cũng như Australia liên quan đến vấn đề bạo lực giới tính hay chi trả công bằng. Australia luôn có những chiến lược mạnh mẽ và rõ ràng để làm thế nào có thể đạt được những tiến bộ trong thực hiện bình đẳng giới, đưa phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, kinh tế. Chúng tôi muốn có những chính sách phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của người phụ nữ. Tại Australia có 31% nghị sỹ là nữ giới, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là tỉ lệ tương xứng so với mục tiêu đề ra.
Việt Nam và Australia cần phải học hỏi kinh nghiệm của nhau. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, thông tin và bài học với các đối tác Việt Nam. Hầu như 100% các hoạt động của chính phủ Australia dành cho Việt Nam đều tích hợp bình đẳng giới trong vấn đề thực thi.
Hỗ trợ của Australia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam được thực hiện thông qua hai phương thức chính. Trong khuôn khổ Chiến lược về Bình đẳng giới cho Việt Nam năm 2016 do Đại sứ quán Autralia đề xuất. Australia yêu cầu các cơ quan đại diện của Australia tại Việt Nam thực hiện và báo cáo về các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Thứ hai, Australia cũng đặt mục tiêu – phụ nữ sẽ được hưởng lợi đáng kể từ các khoản đầu tư viện trợ của Chương trình Aus4Vietnam, trong mọi lĩnh vực, với mục tiêu 100% chương trình sẽ lồng ghép các sáng kiến về bình đẳng giới.
Việc xóa bỏ bình đẳng giới là vấn đề mang tính chất dài hạn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục làm việc với đối tác Việt Nam để làm sao có thể loại bỏ được các rào cản, khó khăn, cùng nhau đạt được mục tiêu bình đẳng giới.
PV: Xin cảm ơn bà./.