Bác bỏ bộ phim xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước những hình ảnh nghèo nàn, chắp vá và những luận điệu vu cáo của những kẻ thực hiện bộ phim, đạo diễn-NSND Đào Trọng Khánh đã có bài viết bình luận, bác bỏ những luận điệu sai trái trong bộ phim tài liệu trên.
Nghệ sĩ Đào Trọng Khánh trích dẫn câu nói nổi tiếng: "Con người hãy cảnh giác!" Câu nói đó lại vang lên trước luận điệu vu cáo, xuyên tạc lịch sử của những kẻ thực hiện bộ phim tài liệu "Sự thật về Hồ Chí Minh." Một bộ phim không có giá trị về mặt tư liệu bởi những hình ảnh nghèo nàn, chắp vá, được sử dụng tùy tiện để minh họa cho lời dẫn.
Những hình ảnh tàn sát trong phim là những bức ảnh và phim về tội ác của thực dân Pháp và xâm lược Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong những trận càn quét, được đem gán cho những người kháng chiến yêu nước, những chiến sỹ Cộng sản. Các tác giả phim đã "khôn khéo" lờ đi xuất xứ và nguồn gốc thực sự của những hình ảnh đó. Một dàn nhân vật "chống cộng" điên cuồng được dựng lên làm cái loa phát thanh trong những đoạn phỏng vấn trơ trụi, không có hình ảnh minh họa, không có tính điện ảnh, thường gọi là Radiofilm - loại phim chỉ có lời, giống như radio.
Với âm nhạc và cách mở đầu theo kiểu phường tuồng, bộ phim dựng một màn chữ dẫn lời của Stéphane Coustois: "Người ta bảo lịch sử là khoa học về sự bất hạnh của nhân loại, thế kỷ bạo lực đẫm máu mà chúng ta sống đã xác nhận câu nói đó một cách rộng rãi."
Sự thật lịch sử không phải chỉ là như vậy. Những nỗ lực và sáng tạo, những phấn đấu không ngừng cho sự tiến bộ, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân loại, là những điều cơ bản từ những bước đi thần kỳ của lịch sử trên tình thần nhân văn cao cả, trong đó có sự hy sinh không tiếc thân của những nhà cách mạng trên toàn thế giới.
Cách đặt vấn đề mập mờ, phiến diện mang màu sắc bi thảm, đen tối dẫn đến cách diễn giải nội dung bộ phim cũng không ngoài những nhận thức sai lệch một chiều.
Thật vớ vẩn khi một dàn "các nhà quan tâm", phát biểu một cách trầm trọng về ngày sinh và mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sự thật đã được Việt Nam chính thức công bố. Vũ Ngự Chiêu, Trần Gia Phụng nhấn mạnh vào bức thư của Nguyễn Tất Thành, xin học ở trường Pháp năm 1912. Đừng quên đó là thời kỳ "tìm mọi con đường để có thể giúp dân, giúp nước" của Nguyễn Tất Thành. Đó là "từng bước, con người đến với chân lý," cũng như sau này, tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Sống giữa xã hội tư bản, không hiểu được hoạt động của những nhà cách mạng, nên Sophic Quinn Judge đoán mò về quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người phụ nữ như với nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn Thị Minh Khai. "Hình như có chuyện gì đó giữa hai người", bà Quinn nói. Đó không phải là cách làm việc của những nhà nghiên cứu. Thao tác của những nhà nghiên cứu không có "hình như." Chi tiết trong trường đoạn này là đơm đặt và đưa chuyện. Khó có thể tin cậy vào những tiến sỹ như kiểu Vũ Ngự Chiêu "Nhiều năm miệt mài trong những văn khố ngoại quốc" chỉ vì những chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện riêng tư của những người khác, không liên quan đến lịch sử.
Sự vu cáo có thể trầm trọng hơn nếu họ phải đối chứng với cơ quan luật pháp ở bất cứ nước nào, đó là trường hợp của Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cầm, Bùi Tín trong chuyện bà Nông Thị Xuân. Người ta không làm bởi không muốn làm buồn lòng những người đã khuất, kể cả cụ Vũ Đình Huỳnh là thân sinh ra nhà văn Vũ Thư Hiên.
Khi biên soạn những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi có dịp được xem bản gốc tập thơ "Nhật ký trong tù," cũng không để ý đến dòng chữ Bác ghi thêm ở ngoài bìa: 1923-1933. Sau nhiều năm có người quan tâm đến chuyện này, ông Nguyễn Huy Hoan - Phó Giám đốc bảo tàng hồi ấy nói rằng: " Người ta không hiểu nên cứ hay suy diễn. Ông cụ ghi thế là nhắc đến cái đại hạn 10 năm theo cách tính của cụ, không phải là thời gian ra đời của tập thơ."
Chuyện nhà thơ Paven Antôncônxki - người đã dịch tập thơ "Nhật ký trong tù" ra tiếng Nga - gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cũng được biết, kể cả lần gặp Rút Bécsatxki từ Liên Xô sang thăm Việt Nam cũng vậy, với sự cởi mở và lòng khiêm tốn, Người tự tay pha càphê mời khách và nói rằng: "Khi có thì giờ rảnh rỗi, chúng tôi làm thơ. Ở Việt Nam ai cũng làm thơ cả." Người không nhận danh hiệu nhà thơ cao quý, nhưng cả thế giới đã bị thuyết phục bởi vần thơ chân thật của Người. Chiến dịch chống phá, vu cáo của nhóm người lưu vong ở hải ngoại thực là một hành động bỉ ổi.
Nghiên cứu về Di sản Hồ Chí Minh, học tập tư tưởng và đạo đức của Người không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học to lớn, lâu dài mà còn là sự chuyển biến tâm thức của toàn dân tộc hướng về chân-thiện-mỹ. Sự hằn học, vu cáo và xuyên tạc lịch sử là biểu hiện của sự thoái hóa về nhân cách, ngược dòng với chiều tiến hóa và sự thăng tiến tinh thần của nhân loại, tự trói buộc và đánh mất Cội nguồn. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một huyền thoại, đúng là như vậy. Huyền thoại bao giờ cũng đẹp. Chứa đựng sự bí ẩn của tinh thần lãng mạn, phần siêu việt của nhận thức con người với thế giới.
William J.Duiker - nhà báo Mỹ viết trong cuốn sách của ông về Hồ Chí Minh: "Tất cả những con người vĩ đại đều tiềm ẩn một vẻ huyền bí." Ông dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời BécnaPhôn - học giả nghiên cứu về Việt Nam - trong một cuộc phỏng vấn nói: "Người già thích có một vẻ bí ẩn nho nhỏ về mình. Tôi muốn giữ lại một chút những vẻ bí ẩn của riêng mình. Tôi tin rằng anh sẽ hiểu được điều đó."
Huyền thoại Hồ Chí Minh mãi mãi là điều nhân loại trân trọng, tự hào, nhận biết và tìm lời giải đáp./.