Bác Hồ sống mãi trong lòng người Tây Nguyên
VOV.VN - Với Linh Nga Niê Kđăm, Bác Hồ như một người ông của mình vậy, rất thân thiết, rất yêu thương.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp vào thăm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhưng tình cảm của Người luôn hướng đến Tây Nguyên, hướng đến miền Nam ruột thịt. Với những người Tây Nguyên tập kết ra Bắc có vinh dự được gặp Bác, được nghe Bác trò chuyện thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao.
Đã 60 năm trôi qua, kể từ khi được Bác Hồ bắt tay, cô bé Ê Đê ngày ấy giờ đã là bà nội, bà ngoại của đàn cháu nhỏ, nhưng trong kí ức nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm (ở thành phố Buôn Ma Thuột), ấn tượng về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ vẫn còn nguyên vẹn. Nhạc sĩ Linh Nga kể, ngày nhỏ, bà may mắn được theo cha (là Bác sĩ – Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kđăm) tập kết lên chiến khu Việt Bắc. Khi đó sống trong rừng, bà chỉ nhớ mang máng rằng phía trên khu lán trại, có một ông cụ thân thiện, hay chơi đùa cùng trẻ nhỏ và cho các cháu bánh kẹo, trái cây. Mãi đến sau này mới biết đó chính là Bác Hồ.
Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm kể: “Năm 1955, trong một lần đón Tết của Quốc hội, có mời tất cả các gia đình đến ăn tết chung với nhau trong một buổi tối thì Bác Hồ đến. Ông lại ông hỏi “À, Y Ngông à, thế đây là con gái Ê Đê à?”, rồi cũng bắt tay mình như người lớn vậy đấy. Bấy giờ ba cô mới nói đấy là Bác Hồ, lãnh tụ của đất nước mình, cách mạng mình, thì lúc đấy mình mới nghĩ, mới biết đấy là Bác Hồ, chứ 3-4 năm mình ở trong rừng mình đâu biết đấy là Bác Hồ đâu, chỉ thấy đấy như là một người ông của mình vậy, rất là thân thiết, rất là yêu thương. Và bấy giờ mới nhớ ra đấy là ông cụ ở bờ suối đấy với mình. Bây giờ mình coi lại những hình ảnh đấy, mình không nghĩ là mình sung sướng đến thế, mình hạnh phúc đến mức độ như thế”.
Kí ức của cô bé 6 tuổi ngày ấy sẽ không được trọn vẹn nếu như bà không được xem lại những hình ảnh lúc nhỏ ở chiến khu Việt Bắc được một nhà báo người Pháp ghi lại. Bà thực sự bất ngờ khi thấy hình ảnh ngày nhỏ của mình luôn được ngồi gần Bác, được Bác cho kẹo, thậm chí được bế vào lòng. Đối với bà, đó là niềm vinh dự và hạnh phúc không bao giờ phai nhạt.
Ông H’Rô Y Đô (dân tộc Ja Rai) ở buôn M’Ghăn, xã Chư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc, vẫn nhớ như in hình ảnh Bác Hồ khi Người đến thăm đoàn bộ đội Tây Nguyên chuẩn bị lên đường sang nước bạn Lào thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đó là vào năm 1957, đơn vị của ông đang đóng quân ở Nghệ An thì có lệnh chia làm 2 nhóm sang Lào. Lúc đó, đơn vị được đón Bác Hồ đến thăm và động viên các anh em chiến sĩ. Bác ân cần hỏi chuyện mọi người, quan tâm đến từng bữa ăn, quần áo ấm, nhắc nhở anh em chiến sĩ giữ sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Hrô Y Đô kể: “Có một lần Bác Hồ đi thăm bộ đội Tây Nguyên, Bác hỏi là “Bộ đội Tây Nguyên ăn có no không? Mặc có ấm không? Các chú có nhớ miền Nam không?”. Sau đó Bác về trao đổi với chú Giáp. Mấy ý kiến của Bác là về củi ấm cho bộ đội, rồi quần áo này. Lúc đó chúng tôi xúc động lắm, xúc động mạnh, đồng thời nhớ đến ý kiến của Bác, xin hứa với Bác là vào Nam để hoàn thành nhiệm vụ”.
Sự giản dị, gần gũi của Bác như một nguồn động viên tinh thần, giúp ông Y Đô nói riêng và đoàn bộ đội Tây Nguyên nói chung hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả. Sau này, khi trở lại Tây Nguyên, tham gia chiến đấu giải phóng quê hương H9 (huyện Krông Bông ngày nay), ông Y Đô vẫn luôn khắc sâu lời dạy của Bác, chiến đấu vì buôn làng, vì miền Nam thân yêu.
Những người con các dân tộc Tây nguyên, dù chưa từng được gặp Bác Hồ nhưng trong lòng mỗi người đều có Bác. Anh Y Kuet Liêng, người M’nông, ở buôn Krong, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, sinh ra trong thời bình, chỉ được biết về Bác qua lời kể, những câu chuyện và chỉ thấy Bác trên ti vi, sách, báo. Thế nhưng, khi được hỏi về Bác, những cảm xúc trong anh dâng trào niềm tự hào và tôn kính.
Anh Y Kuet nói: “Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình và chưa từng được gặp Bác Hồ nhưng tôi rất yêu kính Bác. Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc. Tôi muốn được học tập từ những điều nhỏ nhất trong cuộc đời của Người, vì vậy trong lối sống, mối quan hệ với bà con xóm giềng và cả trong gia đình mình, tôi luôn lấy cách sống giản dị của Bác làm tấm gương để học tập và răn dạy con cháu, giúp đỡ mọi người xung quanh mình”.
Ở buôn Krong, xã Ea Trul cũng như các buôn làng khác ở Tây Nguyên, trong mỗi mỗi gia đình, ảnh Bác Hồ luôn luôn được treo ở vị trí trang trọng nhất. Với anh Y Kuet thì luôn tâm đắc với lối sống giản dị của Bác, cần cù lao động, dạy con cháu học tập và làm theo gương của Bác./.