Bác sĩ của những mảnh đời lầm lỡ
VOV.VN -Cuộc đời chìm nổi nhưng cũng đầy ắp ý nghĩa của bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã thôi thúc tôi đến gặp ông.
Lang thang, phiêu bạt từ Quảng Ninh vào Sài Gòn khi mới 12 tuổi, sau đó được đưa vào cơ sở xã hội của lực lượng thanh niên xung phong để nuôi dưỡng, học hành và trở thành bác sĩ điều trị cho học viên cai nghiện ma túy đến giờ.
Gắn cuộc đời với người cai nghiện
Một buổi sáng nắng đẹp, xe của Văn phòng Lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa chúng tôi đến Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Nơi đây đã thay da đổi thịt khá nhiều so với vài năm trước.
Bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa (áo trắng) - gương học tập Bác điển hình của Cơ sở xã hội Nhị Xuân. |
Trong khu vực của học viên cai nghiện tự nguyện có các bác sĩ cùng sống và làm việc. Có lẽ, khi sống gần gũi với học viên như vậy các bác sĩ mới hiểu rõ được tâm lý của các em và kịp thời xử lý khi có những tình huống bất ngờ xảy ra.
Sau gần 15 phút chờ đợi, bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa với làn da rám nắng tiếp chuyện chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, hiền lành.
Ông xởi lởi: “Tôi trực 24/24 tiếng ở đây, phải luôn để ý xem các em thế nào, lâu lâu lại đi một vòng quanh các phòng để trò chuyện, hỏi thăm tình hình sức khỏe các em… Như thành thói quen rồi, ngày nào không nói chuyện với các em là không yên tâm”. Nói chuyện với bác sĩ Nghĩa mới hay, công việc của ông không chỉ chuyên chữa bệnh mà còn kiêm phòng chống dịch bệnh, quản lý nhiều vấn đề của cơ sở này. Bận bịu, vất vả nhưng ông không nề hà.
Ông bảo: “Là bác sĩ, ai cũng muốn làm việc ở bệnh viện. Tuy nhiên, tôi trưởng thành từ TNXP, được đơn vị bồi dưỡng, đào tạo, giúp đỡ, tình cảm rất gắn bó, khó lòng rời bỏ nơi đây”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều lúc ông trở nên trầm tư, nhất là khi kể về thời thơ ấu bão táp của mình. Bác sĩ Nghĩa kể, hồi nhỏ ông ham vui, không chịu học, rồi theo đám bạn trong xóm nhảy tàu vào Sài Gòn sống lang thang, bụi đời ở chợ Bến Thành.
Sau một thời gian, thành phố có chiến dịch đi gom thanh thiếu niên bụi đời đưa vào Trường thiếu niên 3 ở quận Gò Vấp, ông được đưa vào đó. Năm 1988, ông đi TNXP tham gia khai hoang, lên Đắk Nông, Đắk Lắk. Đến cuối năm 1992, nông trường 7 bị giải thể, ông được chuyển về Cơ sở xã hội Nhị Xuân học tập và làm việc cho đến bây giờ.
“Cũng từ khi chuyển về Nhị Xuân làm công tác bảo vệ rừng, làm giáo dục viên nhà mở, chăm sóc, quản lý mấy em nhỏ cũng bỏ gia đình đi lang thang như mình hồi nhỏ, tự dưng thấy các em gần gũi, thân thương”, bác sĩ Nghĩa tâm sự. Vậy là ông cùng anh chị em trong đơn vị bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân rồi tổ chức đưa các em trở về gia đình. Sau đó, ông theo học y tá rồi đến y sĩ, bác sĩ để phục vụ công việc hiệu quả hơn.
Bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa chia sẻ: “Làm công việc y tế, chăm sóc sức khỏe người bệnh không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, ăn uống, vật chất, tinh thần, động viên, giải thích những vấn đề các em chưa hiểu. Có sự quan tâm toàn diện như vậy, các em mới mau hồi phục. Bên cạnh đó là tinh thần trách nhiệm của người bác sĩ.
Thực ra, nghe nói tới làm việc trong môi trường cai nghiện thì ai cũng sợ nhưng có tiếp xúc với người nghiện mới cảm nhận được, bề ngoài các em có vẻ dữ dằn nhưng khi chăm sóc các em tận tình, bao dung thì các em hiểu và hợp tác tích cực với mình. Làm công việc này cần tận tâm, tận tình, không có tính vụ lợi, so đo, tâm sáng thì sẽ thấy tinh thần thoải mái, không bị căng thẳng, mệt mỏi”.
Về đây - những bước chân lầm lỡ
Là bác sĩ điều trị cho học viên cai nghiện ma túy, không ít lần bác sĩ Nghĩa chứng kiến những tình huống trớ trêu. Chuyện học viên bị ngáo đá, cởi quần áo đi vòng vòng, không chịu hợp tác khám bệnh là chuyện thường xảy ra.
Thậm chí không ít lần máu của học viên bị nhiễm virus HIV dính vào người, bác phải uống thuốc phơi nhiễm HIV… thế nhưng chưa bao giờ bác sĩ Nghĩa than phiền hay có ý định sẽ từ bỏ công việc điều trị cho học viên cai nghiện ma túy. Nếu ai đó nói những chuyện ấy ông chỉ nhẹ nhàng bảo: Làm lâu sẽ có kinh nghiệm và sẽ dần biết bảo vệ bản thân.
Một đồng nghiệp của bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa - điều dưỡng viên Nguyễn Thanh Sơn cho hay, bác sĩ Nghĩa là người rất có tâm, có đức trong việc chữa bệnh, chăm sóc học viên. Ông còn chịu khó và rất năng động trong việc tìm hiểu, trau dồi chuyên môn, nghề nghiệp.
Ông cũng chú trọng, chủ động rèn luyện tay nghề cho các điều dưỡng bằng cách hằng tháng soạn bài chuyên môn để trao đổi công việc với các bác sĩ và điều dưỡng. “Với vai trò là phó phòng phụ trách công tác điều trị, bác sĩ Nghĩa tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh chị em, ân cần dặn dò, thăm hỏi. Đó là một trong những ưu điểm của bác sĩ Nghĩa trong công tác quản lý”, anh Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ.
Tận mắt chứng kiến bác sĩ Nghĩa thăm khám cho học viên cai nghiện ma túy, chúng tôi cảm nhận rõ câu nói mà các học viên nơi đây hay nói về những thầy cô giáo TNXP của mình: “Trường là nhà, thầy cô là người thân”.
Có lẽ sự tương đồng về hoàn cảnh, sự đồng cảm trong tâm hồn đã giúp bác sĩ Nghĩa dễ trò chuyện, chia sẻ với học viên, từ đó, công việc điều trị cho học viên cũng thuận lợi và hiệu quả hơn. Và hơn hết, cái tâm của người thầy thuốc đã giúp ông trở thành người thầy, người bạn đáng kính của những mảnh đời lầm lỡ mong muốn làm lại cuộc đời.
“Có những bước chân lạc lối, đã một thời lang thang nỗi đau
Có những trái tim lầm lỡ, đã bao lần chết ngất với niềm đau...
Về đây hỡi em, Nhị Xuân còn đó bao khát vọng
Dệt nên ước mơ, quyết tâm cùng vun đắp niềm tin...
Có thầy cô yêu thương, trìu mến; có bạn bè, chia sớt buồn vui”.
Lời bài hát “Nhị Xuân chốn bình yên” - một ca khúc do chính học viên cai nghiện nơi đây sáng tác đang vang lên khiến tôi càng thấm thía hai chữ “tình người” trong ngôi nhà có nhiều mảnh đời đang được hồi sinh. Nơi ấy có những người như bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa tận tâm, hết lòng dìu dắt những số phận lầm lỡ làm lại cuộc đời./.