Ký ức Ngày giải phóng miền Nam:

Bài 1: Gặp lại những người ủng hộ Việt Nam

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, Mặt trận đoàn kết quốc tế luôn ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đã hình thành và ngày càng lớn mạnh.  

Góp phần vào chiến thắng cuối cùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không thể không nhắc đến sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè, dư luận tiến bộ trên thế giới đã hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Những người tham gia phong trào phản chiến đến nay đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ký ức về những ngày tháng đó với họ là không thể nào quên.

Các cuộc biểu tình yêu cầu quân đội Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và đòi độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam diễn ra khắp nơi trên thế giới. Bà Gian-nin Tô-rô-ni, người Pháp nhớ lại: “Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ với Việt Nam thật phi lý. Đó là thời điểm mà ở Pháp người ta chỉ làm có một việc đó biểu tình chống chiến tranh, kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và ủng hộ Việt Nam giành độc lập tự do. Tôi cũng như bao người khác thường xuyên xuống đường tham gia các cuộc biểu tình này”.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập.

Tại các nước Bắc Âu như: Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch, Phần Lan các cuộc biểu tình cũng diễn ra rầm rộ. Đặc biệt tại Thụy Điển, các thanh niên trí thức nước này đã thành lập một Tổ chức với nhiệm vụ tuyên truyền và ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập.

Ông Nguyễn Phước Hoàng, nguyên Giám đốc Phòng thông tin của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Thuỵ Điển kể lại: “Phong trào ủng hộ Việt Nam ở các nước Bắc Âu, Nauy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan rất lớn. Phòng thông tin khi đó rất bận rộn. Cơ quan chỉ có 5-6 người thôi nhưng lúc đó ngày nào cũng có mit tinh, tọa đàm, hội thảo ở các địa phương về ủng hộ Việt Nam và mời tôi đến nói chuyện. Nhiều tổ chức ủng hộ Việt Nam lắm. Bất cứ động thái nào của Mỹ ném bom, tàn sát thì ở đây họ đều mit tinh phản đối. Thanh niên, sinh viên cứ chủ nhật là họ xuống đường đi mit tinh và quyên tiền để ủng hộ Việt Nam bất kể trời nắng mưa hay tuyết. Hình ảnh trời mưa tuyết sinh viên Thụy Điển vẫn đứng đó quyên tiền để góp lại ủng hộ Việt Nam  khiến tôi thấy cảm động lắm”.

Trong chiến tranh, sự ủng hộ của báo chí quốc tế góp phần không nhỏ vào việc dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới. Nữ nhà báo Mác-đơ-len Ri-phô là nhà báo quốc tế duy nhất có mặt tại Hải Phòng đã quay được những thước phim quý trong những ngày quân đội Mỹ cho máy bay B52 ném bom Hải Phòng năm 1972. Những thước phim này đã tố cáo cuộc chiến phi nghĩa của quân đội Mỹ và đã giúp nước ta tranh thủ được thêm sự ủng hộ của dư luận thế giới cũng như có thêm ưu thế trên bàn đàm phán về Hiệp định Paris.

Bà Mác-đơ-len Ri-phô nhớ về những ký ức tại Việt Nam: “Đó là một sự kiện lớn trong đời tôi. Tôi là nhà báo quốc tế duy nhất ở ngay trong lòng quân và dân Việt Nam. Ngay sau đó tôi đã trở lại Paris và công bố những thước phim của mình trên các kênh truyền thông đại chúng thế giới, hồi đó ngay cả kênh truyền hình Mỹ CBSnews cũng mua bản quyền những thước phim này để chiếu. Những thước phim này cho thấy dù gian khổ thế nào, người Việt Nam cũng không chùn bước, vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến ngày giành độc lập”.

Vào thời điểm đó, ngay tại nước Mỹ, những phong trào phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền Mỹ không ngừng tăng lên. Những năm 1967, 1968, 1971, 1972, phong trào chống chiến tranh lan rộng ở một loạt các thành phố, các trường đại học trên toàn nước Mỹ, trở thành một nhân tố quan trọng chi phối quá trình điều hành chiến tranh của quân đội Mỹ. Và cuối cùng, buộc chính quyền Mỹ phải chấm dứt sự dính líu về quân sự ở Việt Nam./.                               

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên