Nước thải, rác thải bệnh viện:

Bài 1: Vòng tuần hoàn bệnh tật của người Hà Nội

Thủ đô Hà Nội từ lâu phải đối mặt với nhiều nguồn ô nhiễm, nhưng nguy hiểm nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân vẫn là nước thải và chất thải bệnh viện.

Hiện nay, gần 40 bệnh viện công lập ở Hà Nội chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế, gây ô nhiễm môi trường. Theo lộ trình thì đến năm 2011, thành phố sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này. Nhưng liệu kế hoạch đó có khả thi không, khi việc vận hành hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện vẫn ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng?

Nhiều năm nay, việc xử lý rác thải y tế của bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, thành phố Hà Nội được tiến hành theo một quy trình đơn giản là đốt nên xả khói và mùi hôi nồng nặc ra khu vực xung quanh. Trước sự phản đối kịch liệt của người dân và can thiệp của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2009, bệnh viện ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Bắc Sơn vận chuyển rác thải về nơi xử lý tập trung.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa yên tâm vì đến nay, bệnh viện vẫn  chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế độc hại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân xung quanh vì nhiều gia đình đang sử dụng nước giếng khoan. Ông Nguyễn Quang Tính, nhà ở sát bệnh viện cho biết: “Các cống rãnh nước toàn một màu đen và nhớt trắng, đến gần thấy bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chúng tôi đang rất lo rằng, 5 - 7 năm nữa, nước thải và hoá chất từ bệnh viện sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm”.

Không chỉ bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, Hà Nội còn gần 40 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế; trong đó có 31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Một giải pháp tình thế được triển khai mấy năm nay là, bệnh viện nào chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế thì thu gom vào bể, sau đó đổ hóa chất cloramin B vào để khử khuẩn trước khi xả ra hệ thống cống ở khu dân cư. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không thể tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm như: vi khuẩn lao, phẩy khuẩn tả… Điều đó lý giải vì sao ở khu vực này lại có nhiều người mắc bệnh tả hay một số dịch bệnh khác.

Ông Trương Ninh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ thừa nhận: “Hiện nay, nước thải lỏng y tế ở tất cả các khoa đều có xử lý ban đầu bằng Cloramin B, sau đó đổ vào hệ thống cống rãnh và có một bể thu gom. Nếu như nói về tiêu chuẩn thì hiện nay chúng tôi cũng chưa đạt được theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đề ra”.

Có một thực tế là ngay ở những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế thì vẫn chưa hết nỗi lo ô nhiễm. Bởi bệnh viện phải dành một khoản tiền để mua nhiên liệu, thuê người vận hành và định kỳ bảo dưỡng máy móc, tốn kém hơn giải pháp tình thế là khử khuẩn bằng Cloramin B. Do vậy, không ngoại trừ có bệnh viện vận hành hệ thống xử lý chất thải một cách đối phó hoặc không đầu tư bảo dưỡng nên không phát huy được tác dụng của hệ thống.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Cũng không nên loại trừ khả năng này vì khi bệnh viện không có tiền thì không biết lấy gì để chạy máy. Vì quan điểm phải chung tay bảo vệ môi trường, bệnh viện Việt Đức rất quán triệt, phải tập trung chi trả cho hoạt động này và xem xét tiết kiệm khoản chi phí khác”.

Theo Sở Y tế Hà Nội, không chỉ chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế, mà gần 40 bệnh viện ở Hà Nội còn chưa có lò đốt chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn. Rõ ràng, thực trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải, chất thải bệnh viện vẫn đang là nỗi lo ô nhiễm môi trường. Nếu không được giải quyết triệt để thì bệnh viện vẫn là nơi bắt đầu và kết thúc vòng tuần hoàn bệnh tật của người Hà Nội./.

Bài 2: Bao giờ giải quyết triệt để?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên