Hiểm họa giao thông thủy ở Sơn La

Bài 2: Buông lỏng quản lý phương tiện thủy?

VOV.VN - Mặc dù cán bộ đăng kiểm xuống tận nơi để tiến hành thủ tục nhưng chủ phương tiện đến rất ít, có người làm xong còn không đến lấy giấy tờ

LTS: Kỳ trước của bài viết “Hiểm họa giao thông thủy ở Sơn La”, VOV.VN đã phản ánh việc nhiều hộ dân sinh sống ven hồ sử dụng phương tiện mà không thực hiện đăng ký, đăng kiểm, khiến nguy cơ tiềm ẩn tai nạn là rất lớn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập cách thức quản lý của ngành chức năng và tìm hiểu xem có hay không sự buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng này?

Nhiều thuyền chở khách trên bến Mường Bằng, huyện Quỳnh Nhai không đăng kiểm định kỳ
Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Sơn La, trụ sở tại tổ 8, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La là đơn vị có trách nhiệm chính trong việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm các phương tiện cơ giới đường thủy và đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La. Dù đang rất bận rộn với công việc cuối năm, nhưng giám đốc Mai Quốc Vinh vẫn dành thời gian để tiếp phóng viên. Đáp lại câu hỏi về số lượt phương tiện thủy mà đơn vị đã thực hiện đăng ký, đăng kiểm trong năm nay, ông Vinh chỉ thở dài ngao ngán, bởi con số thống kê hết sức khiêm tốn, chỉ trên 100 lượt phương tiện.

Ông Vinh cho biết, mỗi tháng, Trung tâm đều xây dựng kế hoạch về các huyện phối hợp tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy. Việc thông báo thời gian, địa điểm được giao cho chính quyền địa phương thực hiện. Tuy nhiên, khi cán bộ Trung tâm xuống thực hiện đăng ký, đăng kiểm thì số chủ phương tiện đến tham gia thường rất ít. Nhiều người sau khi làm xong thủ tục đăng ký, đăng kiểm, đến vài tháng sau cũng không đến lấy giấy tờ…

Về công tác đăng kiểm, cái vướng nhất hiện nay là do không có cơ quan chuyên môn nào đứng ra quản lý, nên hầu hết các phương tiện đều đóng tự phát, không có hồ sơ, giấy tờ. Do vậy, nếu áp theo quy chuẩn đăng kiểm thì không chiếc nào đạt yêu cầu. Trung tâm chỉ có 3 cán bộ làm công tác đăng kiểm, nên không thể “3 đầu 6 tay” để “ôm” hết các phần việc. Trong khi đó, công tác phối hợp cũng chưa được thực hiện hiệu quả, do vậy số lượt phương tiện được đăng kiểm trong nhiều năm nay ít là điều khó tránh khỏi.

Ông Mai Quốc Vinh đề nghị: “Cần phải có sự phối hợp về góc độ quản lý Nhà nước về chuyên ngành và quản lý Nhà nước của địa phương. Hai bộ phận đó phải có sự liên kết, sự phối hợp trao đổi thông tin thường xuyên với nhau. Điều này hiện nay chúng tôi cũng đang triển khai. Tuy nhiên, với góc độ quản lý của địa phương, như ở huyện Quỳnh Nhai chẳng hạn, cán bộ Phòng hạ tầng của huyện cũng còn vô vàn những công việc khác. Các anh cũng đã có sự quan tâm đến giao thông thủy, nhưng việc quan tâm thường xuyên và làm sao có ý kiến chỉ đạo kịp thời thì tôi cho rằng cần phải có sự phối hợp hơn nữa”.

Tỉnh Sơn La hiện có trên 2.000 phương tiện thủy, nhưng số thực hiện đăng ký, đăng kiểm chưa đầy 10%. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn mà vẫn hồn nhiên lưu hành?

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Xuân Hà, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La thừa nhận đây là một thực tế. Lòng hồ rộng lớn, nhưng lực lượng cảnh sát đường thủy thì quá mỏng, chỉ 8 đồng chí. Trong đó, 2 cán bộ được bố trí ở tổ Quỳnh Nhai, còn lại là ở tổ Vạn Yên. Các cán bộ, chiến sỹ này chủ yếu thường trực tại chỗ, còn việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến theo chức năng chính thì chẳng mấy khi, bởi số nhiên liệu được giao khoán hiện nay rất thấp, mỗi tháng chưa đầy 50 lít dầu cho 1 lốc. Lòng hồ dài hơn 200 km, nhưng lượng nhiên liệu này chỉ đủ để thực hiện tuần tra mỗi lốc 1 lượt trên 20 km. Đây là một trong những lý do chính, khiến lực lượng “lực bất tòng tâm”.

Phương tiện kiểm soát an toàn giao thông thủy của ngành chức năng chủ yếu neo đậu tại chỗ
Thượng tá Nguyễn Xuân Hà cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay trong công tác tuần tra kiểm soát là địa bàn rất rộng. Khi chủ phương tiện gặp tổ tuần tra kiểm soát thì thường bỏ thuyền chạy lên nương. Khi chủ thuyền bỏ chạy rồi thì việc giữ phương tiện cũng rất khó khăn vì sông rất dài, rất rộng, việc kéo phương tiện về tạm giữ tại đội cũng rất là khó. Ngoài ra, theo quy định của Công an tỉnh thì chúng tôi được cấp 46 lít xăng dầu trên một lốc một tháng. Mức cấp này hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến”.

Được biết, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Sơn La cũng đã tiến hành một số việc nhằm đảm bảo cho các phương tiện thủy ở tỉnh hoạt động an toàn, như: trích một phần kinh phí an toàn giao thông để hỗ trợ chi phí cho người dân khi tham gia đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy; thành lập và tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ thuyền viên…

Bên cạnh đó là tham mưu cho tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, công nhận tuyến lòng hồ thủy điện Sơn La thành đường thủy nội địa quốc gia… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được công nhận. Do vậy, cho đến thời điểm này, hạ tầng giao thông tuyến đường thủy hồ thủy điện Sơn La gần như vẫn là con số Không, là không bến bãi, không tiêu biển, luồng lạch…

Đề cập trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông – vận tải để xảy ra tình trạng này, ông Trịnh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Sơn La cho biết, do đang nằm trong thời điểm trung chuyển Luật Đường thủy sửa đổi nên công tác quản lý, điều hành gặp nhiều khó khăn.

“Năm 2014 Quốc hội mới thông qua Luật sửa đổi Luật Đường thủy nội địa ban hành từ năm 2004, chính thức Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015, nhưng hiện nay có một số chi tiết của việc thực hiện Luật vẫn chưa ban hành, nên đối với địa phương có những cái khó nhất định. Một bất cập nữa là để quản lý đường thủy hiện nay ngành giao thông cũng đã lập những đề án tổ chức bộ máy để quản lý, khai thác đường thủy nhưng hiện nay các hướng dẫn quy định của pháp luật chưa cụ thể; các cơ quan chức năng cũng đang bàn thảo, với những suy nghĩ khác nhau, nên cũng khó cho địa phương”, ông Hùng cho biết.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La, 3 năm qua, mặc dù chưa xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng dẫn đến chết người, nhưng đã có nhiều vụ va chạm và tai nạn giao xảy ra. Tháng 8 năm 2013, tại địa phận xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, một thuyền máy gặp sự cố lật giữa dòng, làm cả 6 chiếc xe máy chìm xuống dòng sông. May mắn toàn bộ số người đi trên thuyền đều thoát chết. Tuy nhiên, vụ việc đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy tại Sơn La. Và không những không ổn định tình hình, mà nhiều người còn cho rằng, cách quản lý lỏng lẻo, thiếu kiên quyết của ngành chức năng tỉnh Sơn La như hiện tại không khác gì “nối giáo cho tử thần”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đăng ký phương tiện đường thủy còn thấp: Vì sao?
Đăng ký phương tiện đường thủy còn thấp: Vì sao?

VOV.VN -Chủ phương tiện chưa nhận thức việc đăng ký là để quản lý, xác lập quyền sở hữu và bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Đăng ký phương tiện đường thủy còn thấp: Vì sao?

Đăng ký phương tiện đường thủy còn thấp: Vì sao?

VOV.VN -Chủ phương tiện chưa nhận thức việc đăng ký là để quản lý, xác lập quyền sở hữu và bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Hiểm họa giao thông thủy: Có phải người dân “mù” Luật?
Hiểm họa giao thông thủy: Có phải người dân “mù” Luật?

VOV.VN - Mỗi ngày, thuyền bè tự chế của người dân vẫn hối hả xuôi ngược trên lòng hồ thủy điện Sơn La, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Hiểm họa giao thông thủy: Có phải người dân “mù” Luật?

Hiểm họa giao thông thủy: Có phải người dân “mù” Luật?

VOV.VN - Mỗi ngày, thuyền bè tự chế của người dân vẫn hối hả xuôi ngược trên lòng hồ thủy điện Sơn La, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Lấy ý kiến về Dự thảo Luật giao thông đường thủy nội địa
Lấy ý kiến về Dự thảo Luật giao thông đường thủy nội địa

VOV.VN -Đa số các ý kiến đều cho rằng, sau gần 10 năm thi hành, Luật Giao thông đường thủy nội địa (năm 2004) đã bộc lộ một số tồn tại

Lấy ý kiến về Dự thảo Luật giao thông đường thủy nội địa

Lấy ý kiến về Dự thảo Luật giao thông đường thủy nội địa

VOV.VN -Đa số các ý kiến đều cho rằng, sau gần 10 năm thi hành, Luật Giao thông đường thủy nội địa (năm 2004) đã bộc lộ một số tồn tại

Siết chặt quản lý phương tiện vận chuyển khách đường thủy
Siết chặt quản lý phương tiện vận chuyển khách đường thủy

VOV.VN -Đoàn công tác liên ngành tỉnh Quảng Ninh tiến hành tổng kiểm tra các tàu hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Siết chặt quản lý phương tiện vận chuyển khách đường thủy

Siết chặt quản lý phương tiện vận chuyển khách đường thủy

VOV.VN -Đoàn công tác liên ngành tỉnh Quảng Ninh tiến hành tổng kiểm tra các tàu hoạt động trên địa bàn tỉnh.