Bài 2: Quốc tế hát bài Giải phóng miền Nam
Giải phóng miền Nam - bài hát này ghi dấu những kỷ niệm không thể quên về tấm lòng của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.
- Tiếng hát Mai Khanh trên Đài TNVN
- Gặp người kéo cờ giải phóng trên đảo Song Tử Tây
- Những giai điệu bất tử: “Nhanh tay lên nào anh chị em ơi”
Hàng năm cứ đến ngày 30/4, bài hát: Giải phóng miền Nam - bài ca chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lại vang lên khắp nơi. Với các bạn trẻ, bài hát khơi gợi về niềm tự hào dân tộc với chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng của dân tộc và khiến họ - những người sinh ra trong hòa bình thêm khát khao học tập và cống hiến cho sao xứng đáng. Những người chiến sĩ cách mạng năm nào khi nghe lại bài hát này đều như sống lại một thời thanh niên sôi nổi, sẵn sàng chiến đấu quên mình.
Với ông Nguyễn Phước Hoàng, nguyên Giám đốc phòng thông tin của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Thụy Điển và Nauy, bài hát này ghi dấu những kỷ niệm không thể quên về tấm lòng của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.
Từ trái sang: Huỳnh Văn Tiểng - Lưu Hữu Phước - Mai Văn Bộ đồng tác giả bài hát Giải phóng miền Nam |
Một ngày đẹp trời cách đây gần chục năm, một người phụ nữ lớn tuổi người Thụy Điển đi du lịch Việt Nam đã tìm đến ông Nguyễn Phước Hoàng để ôn lại kỷ niệm những năm tháng sát cánh bên nhau phản đối cuộc chiến tranh của quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam và tặng ông một chiếc đĩa nhựa. Khi chiếc đĩa được chạy, lời bài hát cất lên, ông Nguyễn Phước Hoàng lặng đi, nước mắt rưng rưng. Đó là một giai điệu quen thuộc từng vang lên khắp nơi trên thế giới, ở đâu có biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, ở đó có bài hát này. Đó là bài hát: Giải phóng miền Nam:
“Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng!
Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng.
Những ca từ được dịch sát nghĩa sang tiếng Thụy Điển và được các bạn Thụy Điển thu âm vào đĩa nhựa. Những chiếc đĩa nhựa này được bán để gây quỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam. Đến bây giờ mỗi lần nghe lại bài hát, ông như sống lại quãng thời gian làm Giám đốc phòng thông tin của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Thụy Điển và Nauy: “Sau năm 68 sau khi Việt Nam tổng tiến công nổi dậy, các phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Các chính phủ Bắc Âu cũng có cảm tình với phong trào cách mạng Việt Nam nên đã cho phép thành lập phòng thông tin của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó 1 năm tức là vào năm 1969 thì Việt Nam thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam, phòng thông tin này đổi thành Phòng thông tin của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Phòng thông tin này có nhiệm vụ in và phát thông tin, phim, ca nhạc những tài liệu chính thức về tình hình đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới. Chúng tôi đã từng đi tất cả các địa phương ở Thụy Điển và Nauy để chiếu phim cho họ”.
Khi đó, phong trào ủng hộ Việt Nam ở các nước Bắc Âu rất lớn. Phòng thông tin chỉ có 5-6 người nhưng ngày nào cũng có nhiều lời mời đến dự các cuộc mit tinh, tọa đàm, hội thảo ở các địa phương ủng hộ Việt Nam. Thời đó, bất cứ động thái nào của quân đội Mỹ ném bom, tàn sát nhân dân Việt Nam thì ngay lập tức bạn bè quốc tế ở Bắc Âu đều mit tinh phản đối: “Tôi mang đĩa hát các bài giải phóng miền Nam cho họ nghe. Họ lấy đĩa hát đó về dịch lại bằng tiếng Thụy Điển rồi làm thành bài hát chính thức cho bất kỳ cuộc mittinh nào của Hội thì họ đều đứng lên để hát bài này như là bài quốc ca vậy, đứng lên chào cờ và hát bài này bằng tiếng Thụy Điển. Tôi cảm động lắm vì không biết họ học lúc nào. Sau đó đi nói chuyện ở các nơi khác như trường học, đại học thì đều nghe thấy họ hát bài này. Rồi đến các khu phố người ta cũng hát. Bài hát này lan truyền nhanh lắm. Đó là nhờ sự nhiệt tình của người dân Thụy Điển ủng hộ Việt Nam…” ông Nguyễn Phước Hoàng kể lại.
Sau khi ký kết hiệp định Paris, lúc đó Mỹ đồng ý rút quân tôn trọng chủ quyền độc lập. Người Thụy Điển xuống đường mit tinh rậm rộ vui mừng như người Việt Nam vui mừng và bài hát này lại vang lên khắp phố phường.
Nhiều năm đã trôi qua, chiếc máy quay đĩa giờ đã là của hiếm. Muốn nghe bài hát này thường xuyên thì phải sao lưu sang đĩa CD. Phải đắn đo lắm ông Nguyễn Phước Hoàng mới chịu đưa cho tôi chiếc đĩa, giờ đã trở thành kỷ vật vô giá, để tôi mang đi số hóa với biết bao điều căn dặn. Cẩn trọng mang chiếc đĩa nhựa bên mình, tôi bất giác mường tượng hình ảnh dưới trời mưa tuyết, những sinh viên Thụy Điển đứng đó bán đĩa nhạc quyên tiền để góp lại ủng hộ Việt Nam. Đó là một thuở hào hùng mà trong lòng bạn bè thế giới hai tiếng Việt Nam vang lên gắn liền với lương tri và chính nghĩa. Tôi thầm nghĩ, những thế hệ sinh ra sau chiến tranh như chúng tôi cần phải học tập và nỗ lực cống hiến sao cho hai tiếng Việt Nam mỗi khi vang lên trên trường quốc tế phải được liên tưởng tới hình ảnh thân thiện, hội nhập và phát triển./.