Bài 3: Cắt, giảm viện trợ là “cú hích” để SOS Việt Nam phát huy nội lực?
VOV.VN - Trong năm 2023 và từ năm 2024, có nhiều khó khăn đối với Làng trẻ em SOS Việt Nam. Thế nhưng bằng tình thương và trách nhiệm với trẻ, tất cả nhân viên SOS nỗ lực, vận dụng mọi khả năng để kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội với quyết tâm cao không có bất cứ cháu nào thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học.
Mong muốn được giữ lại mô hình
Như đã đề cập trong bài “Làng trẻ em SOS Việt Nam đang cần “SOS””, hoạt động của Làng trong quãng thời gian qua dựa vào việc tiếp nhận kinh phí viện trợ không hoàn lại từ tổ chức SOS Quốc tế và các nhà tài trợ. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, nên các làng trẻ em SOS tại Việt Nam, trong đó có Làng trẻ em SOS Hà Nội, không còn được ưu tiên nhận viện trợ từ SOS quốc tế. Tuy nhiên, trước những thách thức đặt ra, các mẹ, các dì tại làng rất hy vọng mô hình hiện tại của SOS vẫn tiếp tục được duy trì.
Chị Ngô Thị Sinh (quê Sóc Sơn, Hà Nội) vào Làng trẻ em SOS Hà Nội từ năm 2012. Đã 22 năm trôi qua, với chị quãng thời gian đã qua và hiện tại là những ngày tháng hạnh phúc nhất, bởi chị được làm mẹ. Mặc dù 8 đứa con không phải do chị mang nặng đẻ đau nhưng từ khi các con gọi chị 1 tiếng “mẹ” thì dường như không có gì có thể chia cắt được tình mẹ con thiêng liêng ấy nữa.
Trước khi quyết định xuống đây, chị Sinh cũng từng đắn đo suy nghĩ trước lo lắng của bậc làm cha làm mẹ ở quê. Bố mẹ chị bảo rằng con hãy cân nhắc và suy nghĩ kỹ, bởi đây là công việc không giống với bất kỳ công việc nào ở đời thường cả. Đây là công việc nuôi dạy con người, việc nuôi con không hề đơn giản, nhất là dành tình thương cho những đứa con không phải do mình sinh ra.
Thế nhưng chị Sinh vẫn quyết tâm. Mặc dù không biết cuộc sống ở đây như thế nào, trong đầu chị chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là bản thân mình là người phụ nữ đơn thân, không có con riêng của mình, không có điều gì vướng bận, mình sẽ ở cùng các con ở làng trẻ, được ăn ở với các con 24/24.
Chị Sinh tâm sự: “Lên chức mẹ, tôi thấy áp lực nhưng cũng rất đỗi ý nghĩa. Các con lúc nào cũng quấn lấy mẹ. Và dường như chị không xem đây là công việc nữa mà là thiên chức, được làm mẹ.
Giờ đây chị có 8 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trước những khó khăn của làng, chị rất lo cho các con của mình.
“Tôi thầm cảm ơn tổ chức đã cho tôi những đứa con ngoan, xinh xắn. Tôi chỉ mong sao mô hình gia đình này sẽ vẫn tồn tại, được duy trì để tôi vẫn được làm mẹ của những đứa con, để cuộc sống của các con không bị xáo trộn quá nhiều”, chị Sinh tâm sự.
Bà Đỗ Thị Nhân (Phúc Thọ, Hà Nội) – đại diện cho hơn 20 bà mẹ đã nghỉ hưu ở Làng trẻ em SOS Hà Nội chia sẻ: “Mỗi người ở đây đều có hoàn cảnh riêng, chúng tôi là những người phụ nữ đơn thân, còn các con vắng bóng bàn tay chăm sóc của người mẹ. Vì thế cả 2 gộp lại thành một gia đình. Cho đến giờ phút này tôi luôn cảm ơn tổ chức SOS đã cho chúng tôi là những người phụ nữ không may mắn có được một đàn con”.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội, SOS là một mô hình ưu việt, khác với các dự án xã hội khác, ở làng trẻ em SOS Việt Nam, trẻ được giúp đỡ đến khi trưởng thành. Ở đây các con được nuôi dạy theo mô hình nền tảng gia đình thay thế.
“Các con được sống trong gia đình, có mẹ, có anh chị em. Ngoài ra, trẻ được giúp đỡ đến khi trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hay các trường nghề, các con sẽ được làng hỗ trợ kinh phí trong những tháng chờ việc, có chương trình bán tự lập 3 năm để các con đi làm và có thu nhập. Khi đã có thu nhập vẫn được làng hỗ trợ tài chính 1 phần. Ngày cưới được làng đứng ra tổ chức”, anh Sinh nói.
Thế nên bản thân anh cũng như toàn thể nhân viên làng trẻ em SOS Hà Nội mong muốn được giữ mô hình này. Tuy nhiên giữ như thế nào, cách thức vận hành ra sao, dựa theo nguồn kinh phí nào thì vẫn phải chờ đợi.
Giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức
Trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ, tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế đang cắt giảm hàng năm và tiến tới yêu cầu phải tự chủ tài chính từ năm 2030, Việt Nam đã không còn được ưu tiên hỗ trợ, do là nước đã thoát nghèo.
Chính vì vậy, trong năm 2023 và từ năm 2024 có nhiều khó khăn đối với Làng trẻ em SOS Việt Nam. Dù thách thức là vậy, nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, tất cả nhân viên SOS nỗ lực, vận dụng mọi khả năng để kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội với quyết tâm cao không có bất cứ cháu nào thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học.
Theo ông Vũ Ngọc Hảo, Giám đốc Giáo dục và phụ trách hành chính của Văn phòng Làng trẻ SOS Việt Nam, từ trước đến nay Làng trẻ SOS Việt Nam hoạt động dựa trên 4 nguồn chính. Một là ngân sách nhà nước của tỉnh nào cấp cho làng đó (bắt đầu từ năm 2013 khi NĐ 136 về chế độ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội được ban hành) và sự hỗ trợ của mỗi làng là không giống nhau tùy thuộc vào từng địa phương; Hai là nguồn kinh phí từ Làng trẻ em SOS quốc tế; Ba là nguồn vận động quyên góp trong nước do văn phòng SOS Việt Nam chủ trì kêu gọi và thứ 4 là do các nhà tài trợ, đỡ đầu trẻ em, đỡ đầu gia đình.
“Nhà nước đã hỗ trợ cho Làng trẻ SOS Việt Nam khoảng 7 năm nay. Bắt đầu từ Nghị định 136 (sau này là NĐ 20 thay thế) về chế độ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Từ 1/7 vừa rồi, Nghị định 76 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội khi mức lương cơ sở tăng lên. Do đó các tỉnh đều dựa vào mức quy định của Chính phủ trừ đi phần tổ chức SOS quốc tế cấp cho mỗi làng thì sẽ bổ sung vào phần thiếu hụt đó. Ngoài ra, các tỉnh còn hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em”, ông Hảo giải thích thêm.
Tuy nhiên “cá biệt” của từng tỉnh, như TP.HCM, địa phương này đã cấp 100% tiền ăn cho các cháu, do đó tổ chức SOS quốc tế không phải hỗ trợ tiền ăn cho trẻ nữa.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Hảo, hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trong giai đoạn đàm phán, thống nhất với Làng trẻ em SOS Quốc tế về việc chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống SOS Việt Nam và nguồn kinh phí hỗ trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế trong các năm tiếp theo.
Trước mắt, để duy trì hoạt động ổn định của các làng trẻ em SOS cơ sở, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan, bao gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính xem xét, cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ phần kinh phí hoạt động thường xuyên hằng năm bị thiếu hụt cho Làng trẻ em SOS của địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Làng trẻ em SOS của địa phương xây dựng dự toán kinh phí, căn cứ định mức được quy định của SOS Việt Nam, căn cứ khoản kinh phí được SOS Quốc tế phê duyệt hỗ trợ và khoản kinh phí từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước tài trợ.
Đồng thời tiến hành rà soát đối tượng, cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện hỗ trợ các chế độ quy định đối với trẻ em thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Chính vì thế “các con sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, các mẹ vẫn tiếp tục làm công việc như bình thường. Do đó việc các tổ chức SOS quốc tế cắt giảm viện trợ, chúng tôi xem đây là thách thức, là một “cú hích” để Làng trẻ SOS Việt Nam chuyển mình, phát huy nội lực”, ông Hảo khẳng định.