Buôn làng Tây Nguyên: Hướng thoát nghèo?

Bài 3: Nghèo vì “ăn non trả già”

Do thiếu tín dụng Nhà nước, bà con M’Nông ở đây phải vay tư thương với lãi suất cao để đầu tư cho sản xuất và mua sắm đồ dùng sinh hoạt nên phải chịu cảnh “ăn non trả già” từ nhiều năm nay.  

>> Bài 1: Lễ bỏ mả “Làm mấy năm, ăn một bữa”

>> Bài 2: Nghèo đói nơi “thiên đường”

Là trọng điểm sản xuất ngô của cả một huyện, sản lượng cả vạn tấn mỗi năm mà vẫn nghèo - đó là thực trạng ở xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Sầm uất nhưng… nghèo

Krông Nô vào vụ thu hoạch ngô. Ngô được mùa, vàng rực những sân phơi. Ngô mới chuyển từ rẫy về chưa bóc vỏ, tẽ hạt, chất đống ngồn ngộn suốt vệ đường từ trung tâm xã đến tận buôn Phi Trí.

Xã Krông Nô có 4.500ha đất trồng ngô, trong đó, 3.000ha có thể trồng 2 vụ. Sản lượng ngô hằng năm của toàn xã đạt xấp xỉ 15.000 tấn. Bình quân, mỗi hộ một năm thu hoạch 15 tấn ngô, thu về trên 50 triệu đồng. Khi chưa phát triển cây ngô lai, vùng đất này vắng ngắt. Nhưng nay, dọc hai bên quốc lộ 27, đoạn đi qua trung tâm xã đã hình thành khu kinh doanh thương mại - dịch vụ với đầy đủ tiệm ăn, quán giải khát, cửa hàng tạp hóa và cả đại lý xe máy. Tất cả đều để phục vụ người trồng ngô.

Ngô xếp đầy vệ đường từ buôn Phi Trí đến trung tâm xã Krông Nô

Thế nhưng, nghịch lý là người trồng ngô ở Krông Nô vẫn nghèo. Vụ này, K’Bi ở buôn Chai A trồng 5ha ngô, thu được gần 11 tấn. Sau khi trừ tiền giống, phân bón và các khoản chi phí khác, lẽ ra anh phải cầm chắc 15 triệu đồng. Nhưng vừa về tới nhà, ngô đã lại ra đi, K’Bi chỉ còn vỏn vẹn 2 tấn. Anh phải trả 9 tấn ngô cho các đại lý, cửa hàng vì đã ứng ngô giống, phân bón, và cả lương thực, thực phẩm cho gia đình sinh sống trong hơn 4 tháng qua.

“Cái khó bó cái khôn”

Đa số người trồng ngô ở Krông Nô không vay vốn ngân hàng, dù lãi suất thấp hơn bên ngoài rất nhiều. Lý do chủ yếu là vì ngân hàng ở mãi trên huyện, cách xa những hơn 40km; thủ tục vay, quy trình thẩm định còn phức tạp, nên bà con e ngại. Họ đành nhận giống, phân bón, vật tư xăng dầu ứng trước của các tư thương. Tuy lãi suất cao nhưng rất dễ dàng, thuận tiện. Không chỉ ngô giống, phân bón, nông dân có thể ứng trước cả gạo, thực phẩm, cho tới bia, rượu…, tất cả đều quy ra ngô. Vào vụ thu hoạch, tư thương sẽ đánh xe đến tận nhà để chở.

Vậy là người dân làm ra rất nhiều sản phẩm, nhưng mọi sản phẩm ấy đều bị bán non, bị thu nợ gần hết ngay từ đầu vụ. Ông Y Măng Rơ Lưc, Bí thư Đảng ủy xã Krông Nô cho biết, việc “ăn non trả già” này diễn ra phổ biến trong tất cả các buôn làng của xã. Có làm mà không có tích luỹ, vì thế, 45% số hộ ở đây vẫn thuộc diện nghèo.

Theo Đảng ủy và Chính quyền xã Krông Nô, nếu có kênh tín dụng ngay tại địa phương, giải quyết tốt vốn vay cho nông dân, hạn chế tối đa tình trạng “ăn non trả già” như hiện nay, tốc độ giảm nghèo của xã sẽ tăng vọt. 

Cơ hội mới

Như để chứng minh, Ông Y Măng Rơ Lưc, Bí thư Đảng ủy xã Krông Nô đưa chúng tôi tới thăm nhà Y Lá - nông dân sản xuất giỏi ở buôn Phi Trí, hộ M’Nông hiếm hoi ở Krông Nô không chịu cảnh “bán ngô non”. Y Lá bây giờ là người giàu có nhất buôn. Anh đã xây được ngôi nhà khang trang, với những tiện nghi sinh hoạt không thua kém các gia đình khá giả ở thành thị. Y Lá mở tủ lạnh lấy bia và nước ngọt mời khách và vui vẻ cho biết, vụ này gia đình gieo 10ha ngô, thu gần 30 tấn hạt. Sau khi trừ mọi chi phí, lãi gần 50 triệu đồng.

Hiện nay, Krông Nô trở thành vùng trọng điểm sản xuất ngô lai của huyện Lắk. Vụ này toàn xã trồng 4.100ha, sản lượng ước đạt gần 10.000 tấn. Ngành ngân hàng cũng đã nhìn ra tiềm năng của vùng đất, nên từ đầu tháng 9/2010, một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk đã được mở ngay tại trung tâm xã Krông Nô. Người dân không phải vượt quãng đường 40km để lên huyện làm thủ tục vay tiền nữa, cảnh phải bán non sản phẩm của bà con M’Nông, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk  Lắk sẽ giảm đáng kể. Cái nghèo vô lý sẽ không còn đeo bám người dân nơi đây./.

Bài 4: Vươn lên bằng học vấn

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên