Bài 4: Vươn lên bằng học vấn
“Làng đại học” là từ mà nhiều người ở Lâm Đồng thường dùng khi nhắc đến bon K’Ming của bà con dân tộc K’Ho ở xã Gung Ré, huyện Di Linh. K’Minh còn được coi là một trong những điểm sáng thoát nghèo bằng trí tuệ và học vấn.
>> Bài 1: Lễ bỏ mả “Làm mấy năm, ăn một bữa”
>> Bài 2: Nghèo đói nơi “thiên đường”
>> Bài 3: Nghèo vì “ăn non trả già”
Chỉ tính 10 năm lại đây, đã có 170 con em của bon K’Ming tốt nghiệp hoặc đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Nhà nhà thi đua học tập
Nhà của ông K’Brọi ở cuối bon K’Ming. Ngôi nhà mái ngói, vách gỗ nằm giữa vườn cà phê xanh um. Vợ chồng K’Brọi có 4 người con, 2 con lớn đã là giáo viên cấp ba, 2 con sau đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Ông nói: “Mình chưa xây nhà to đẹp là vì làm được bao nhiêu đều tập trung nuôi các con ăn học”. Gia đình K’Brọi có 1ha cà phê và 1,5ha ruộng nước. Hàng năm thu hơn 3 tấn cà phê nhân và gần 15 tấn lúa. Ông nói, giai đoạn khó khăn nhất của gia đình đã qua rồi. Hiện nay, 2 con lớn đã đi dạy học, có lương ổn định, hàng tháng đều gửi tiền về phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Tuy chưa giàu có như nhiều người trong bon, nhưng gia đình K’Brọi luôn hòa thuận và đầy ắp niềm vui.
Ảnh minh họa |
Việc học cho con em ở bon K’Ming không chỉ là chuyện của mỗi gia đình, dòng họ mà được cả cộng đồng, đoàn thể quan tâm một cách sát sao, thiết thực. Cũng nhờ sự quan tâm này mà trường tiểu học, lớp mẫu giáo, đều được bà con đóng góp xây dựng khang trang ở trung tâm bon. Những đứa trẻ của bon K’Ming được bố mẹ, gia đình giáo dục ý thức về việc học từ rất sớm.
Ông K’Trem, Hội Khuyến học bon K’Ming cho biết, từ trước đến nay, nếu trong bon có cháu nào bỏ học thì Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Hội Khuyến học sẽ đến gia đình đó để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu gặp khó khăn về kinh tế sẽ tìm cách giúp đỡ, động viên để họ tiếp tục cho con đi học. Nói chung, trẻ em, con cái trong bon tất cả đều được đi học.
Nhiều người con của bon K’Ming sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc ở nhiều lĩnh vực đã về quê chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với bà con trong bon. Đồng thời, họ cũng là động lực, là tấm gương để lớp đàn em noi theo.
“Có tầm” nhờ trí tuệ và học vấn
Ông K’Brêu, Bí thư Đảng ủy xã Gung Ré không phải là người của bon K’Ming, nhưng rất am hiểu và tự hào về bon này. Ông K’Brêu cho biết, bon K’Ming luôn dẫn đầu xã Gung Ré về tất cả các mặt, từ kinh tế đến đời sống văn hóa, xã hội. Xã Gung Ré có 9 thôn, bon với 2.080 hộ. 10 năm trở lại đây, toàn xã có 240 con em vào đại học, cao đẳng, riêng bon K’Ming đã có 170 người. Năng suất cà phê bình quân toàn xã là 2,5 tấn/ha thì năng suất bình quân của bon K’Ming là 3 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã Gung Ré hiện nay là 14,5%, còn ở bon K’Ming là dưới 5%.
nguồn: TN University. |
Bon K’Ming có 358 hộ, bà con ở đây canh tác gần 500ha cà phê và 300ha ruộng nước. Do có tới hơn trăm kỹ sư, cử nhân, còn người tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung cấp nghề thì đếm không hết, nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất dễ dàng. Năng suất cà phê, lúa nước của bon K’Ming không chỉ đứng nhất xã Gung Ré mà còn nằm trong tốp đầu của huyện Di Linh. Hơn 100 hộ gia đình ở bon K’Ming đã xây được nhà ở khang trang. Số hộ nghèo ở đây giảm xuống dưới 5%, chỉ bằng gần 1/3 tỷ lệ bình quân toàn tỉnh Lâm Đồng.
Việc học ở bon K’Ming vẫn luôn được các thế hệ phát huy và mang lại kết quả thiết thực. Vào năm học 2010-2011 này, có thêm 12 con em của bon K’Ming đậu các trường đại học, cao đẳng. Con đường vươn lên của bon đang rộng mở, một nông thôn mới của vùng dân tộc thiểu số đang được gây dựng vững chắc trên nền tảng trí tuệ và học vấn./.